Trên thị trường tài chính - tiền tệ, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, sau khi nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục tốt, đã tạo ra áp lực tăng đáng kể đối với lãi suất cho vay từ cuối năm 2022.
Theo nhận định của Saigon Ratings, năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế vẫn chưa thể ngay lập tức thoát ra khỏi tình trạng khát vốn.
Thứ nhất, do Ngân hàng Nhà nước chưa thể giảm lãi suất điều hành khi các ngân hàng trung ương trên thế giới (đặc biệt là Fed) vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong nửa đầu năm 2023; Thứ hai, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn đang ở mức cao; Thứ ba, tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP hiện đang ở mức hơn 124%; Thứ tư, dư nợ tín dụng đã vượt mức huy động tiền gửi.
Bài toán khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước hiện nay, là điều hành tỉ giá và lãi suất làm sao để vừa phát triển kinh tế và vừa ổn định giá trị tiền đồng. Việc tăng lãi suất điều hành vừa giúp kiểm soát lạm phát vừa ổn định giá trị tiền đồng, thay vì duy trì một chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo tính toán, lãi suất cho vay dự báo sẽ ổn định trở lại trong năm 2023 với mức giảm bình quân khoảng 1% từ nay đến cuối năm và tỉ giá USD/VND cũng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, do những khó khăn mới nảy sinh của hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ khiến đồng USD yếu đi.
Chính phủ đã xác định tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước. Các khó khăn, thách thức có thể còn nhiều hơn cơ hội và thuận lợi.
Vì thế, các doanh nghiệp cần phải chú trọng việc nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá và dự báo tình hình biến động quốc tế và các yếu tố ảnh hưởng rủi ro vĩ mô quốc gia có thể có, nhằm xây dựng một hệ thống nhận diện rủi ro, quản trị các yếu tố rủi ro và một cơ chế cảnh báo sớm các rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động khó lường và có khả năng đi vào suy thoái trong thời gian sắp tới.
Trong bối cảnh tình hình bất định đó, các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt, thích nghi với các tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh bên ngoài, phát huy tinh thần tự cường vượt khó khăn; đồng thời nỗ lực sáng tạo, nắm bắt cơ hội phát triển trong điều kiện khó khăn, thách thức.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, mời gọi và thu hút các nguồn lực vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các tổ chức định chế tài chính hoặc doanh nghiệp quốc tế, thì cần phải đảm bảo tốt nhất các yêu cầu về hệ thống chính sách, tiêu chuẩn quản lý và hệ thống kiểm soát nội bộ một cách minh bạch và phù hợp với thông lệ quản trị quốc tế.
Doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng đem lại các lợi ích kinh tế. Các lợi ích kinh tế có thể là cơ sở cho việc đánh giá sự hiệu quả của việc thực hiện hiệu lực quản trị, quản lý của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư đều có mối quan tâm chung về tinh thần trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, sự chính trực, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nhà quản lý doanh nghiệp. Quyền lực của doanh nghiệp được thực hiện bởi các thành viên HĐQT, ban giám đốc, nhân sự quản lý các cấp, những cổ đông chi phối và trong một số trường hợp là các bên liên quan như đối tác chiến lược, các nhà cung cấp tín dụng lớn, và/hoặc khách hàng.
Kinh nghiệm phát triển ở các quốc gia tiên tiến, có thị trường trái phiếu phát triển thì việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tổ chức phát hành và trái phiếu đã được trở thành văn hóa trong hoạt động kinh doanh.
Để có thể chủ động lên chiến lược, kế hoạch và tăng khả năng thành công trong việc chào bán huy động vốn trái phiếu trong nước và quốc tế, hoặc là thu hút các nguồn lực vốn đầu tư từ việc vay ngân hàng thương mại, IPO, hoạt động M&A, hợp tác đối tác đầu tư, thì điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải từng bước nâng cao chất lượng quản trị, quản lý và hiệu quả hoạt động kinh doanh; minh bạch chất lượng tín nhiệm của doanh nghiệp; đồng thời chú trọng việc chuẩn hóa hồ sơ của tổ chức phát hành và trái phiếu phát hành và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực tiêu chuẩn quốc tế.
Muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải tập trung vào 5 giải pháp cụ thể. Gồm: Xác định cơ cấu vốn tối ưu; Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; Huy động vốn qua thị trường chứng khoán; Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đặc biệt quản trị tài chính; Nâng cao văn hóa Xếp hạng tín nhiệm và định hình văn hóa kinh doanh minh bạch thông tin doanh nghiệp.
Trong đó, xác định cơ cấu vốn tối ưu. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu vốn còn bất hợp lý và chính sách đòn bẩy tài chính rất cao, nguồn vốn chủ sở hữu thường chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Trong khi các tổ chức này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Cơ cấu vốn chưa hợp lý này, đã chứa đựng các nguy cơ, rủi ro rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trong đó, rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp là phải vay vốn với lãi suất cao, chi phí vốn lớn, dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp.
Với việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Việc huy động vốn thông qua kênh đối tác khách hàng, hợp tác kinh doanh với một phương án tài chính hấp dẫn, thu hút khách hàng của doanh nghiệp là có tính khả thi, để giải quyết nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Tóm lại, tất cả các yếu tố rủi ro tác động tiêu cực từ môi trường kinh doanh bên ngoài, với sự bất ổn của nền kinh tế thế giới đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và từ đó có thể có tác động kép đến hoạt động của từng ngành kinh doanh và của từng doanh nghiệp cụ thể, với tính chất, quy mô và mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Vì vậy, hơn bao giờ hết mỗi doanh nghiệp cần phải hết sức chú trọng đến việc nhận định, đánh giá và dự báo tình hình nhằm quản trị hiệu quả sự “bất biến” để “ứng vạn biến” trước các biến động, khó khăn và thách thức ngày càng có xu hướng gia tăng của nền kinh tế thế giới.
TS Phùng Xuân Minh – Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings