vĐồng tin tức tài chính 365

Bài cuối: Nhiều giải pháp ngăn chặn tội phạm

2023-11-01 16:04

Ứng phó, xử lý kịp thời

Khi có đối tượng cướp tài sản tại ngân hàng thì chính lực lượng bảo vệ được tuyển chọn phải ứng phó đầu tiên. Lực lượng này cần phải trẻ, khỏe, có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện thể lực, tự nâng cao kiến thức nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác nắm bắt tình hình, nhận định đối tượng có biểu hiện nghi vấn và kịp thời thông tin, báo về cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ khi có vụ cướp tài sản xảy ra. Lực lượng bảo vệ tại chỗ có thể nhanh chóng xử lý tình huống phù hợp với sức lực, trình độ của bản thân.

Lực lượng bảo vệ được tuyển chọn của ngân hàng cần được trang bị các công cụ hỗ trợ, vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng, để đội ngũ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp tài sản. Lực lượng này sẽ thường xuyên phối hợp cơ quan công an các cấp xây dựng, tổ chức tập huấn cho nhân viên ngân hàng kỹ năng cần thiết để phát hiện sớm, đối phó với các vụ cướp ngân hàng. Nội dung tập huấn bao gồm: các kỹ năng xử lý tình huống khi xuất hiện đối tượng cướp tài sản; cố gắng ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của đối tượng để cung cấp cho lực lượng chức năng; tập huấn cho nhân viên kỹ năng bí mật bấm nút báo động, khống chế, bắt giữ đối tượng trong trường hợp có thể. Thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, trong đó có phạm tội cướp tài sản tại ngân hàng để thông báo, phổ biến đến tất cả nhân viên, lực lượng bảo vệ tại chỗ.

Công an TPHCM kiểm tra tài liệu, chứng cứ trong một vụ án cho vay lãi nặng

Mặt khác, các ngân hàng cần tính toán, đầu tư hệ thống an ninh bảo đảm, đặc biệt hệ thống camera phải có chất lượng tốt, màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ cơ quan chức năng trong quá trình truy xét, nhận dạng đối tượng, phương tiện sử dụng và hướng tẩu thoát của các đối tượng gây án. Cần chủ động nghiên cứu, tính toán lắp đặt hệ thống báo động khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an có trụ sở gần nhất và được bố trí lắp đặt ở các điểm mà nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt nhằm bảo đảm công tác hỗ trợ kịp thời khi có đối tượng đến cướp tài sản ngân hàng.

Gặp trường hợp các đối tượng cướp tài sản sử dụng những loại vũ khí nguy hiểm như súng, lựu đạn, thuốc nổ... hoặc vũ khí thô sơ có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng, không nên tiếc tài sản mà phản ứng ngay lập tức vì thường sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Lực lượng bảo vệ tại chỗ và nhân viên ngân hàng cần cố gắng bình tĩnh, tìm cơ hội phù hợp để chống trả, bắt giữ đối tượng hoặc ghi nhớ đặc điểm của các đối tượng (về con người, phương tiện, công cụ, vũ khí...) để cung cấp cho cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra, phá án. Các ngân hàng cũng cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát bảo vệ chuyên trách của cơ quan công an, chính quyền địa phương, công ty bảo vệ chuyên nghiệp; từ đó chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, ứng phó với các tình huống do đối tượng cướp tài sản gây ra, bảo đảm an toàn trong việc vận chuyển tiền, tiếp quỹ ATM, giao dịch hàng ngày tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch.

Lực lượng Công an triệt phá một đường dây 'tín dụng đen'

Tăng cường xác thực thông tin qua định danh cá nhân

Với đặc thù là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, TPHCM có dân cư rất đông đúc, hàng năm còn thu hút số lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản lại lợi dụng sự đông đúc trên để gây án. Những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tại TPHCM diễn biến khá phức tạp. Các băng nhóm cho vay lãi nặng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, sử dụng nhiều phương thức mới, kéo theo là sự gia tăng các vụ bắt, giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... Chưa kể nhiều băng nhóm hoạt động tín dụng đen còn sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua "app" đang gia tăng.

Liên quan đến hoạt động cho vay qua "app", xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý của một bộ phận người dân thích vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, để lập nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo..., đăng quảng cáo nhằm tiếp cận nạn nhân. Sau đó, các đối tượng gửi đường "link" kết nối với ứng dụng CH Play, App Store... để nạn nhân cài đặt vào điện thoại thông minh của mình và đăng ký tài khoản trên "app".

Khám phá một băng nhóm chuyên giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sau khi người vay hoàn tất thủ tục, số tiền giải ngân được thể hiện trên "app", nhưng người vay không thể chuyển, rút được và bị khóa "app" với những cớ như: do sai cú pháp, quá hạn mức, sai số tài khoản ngân hàng... Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền đặt cọc để mở lại "app" thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay). Hoặc các đối tượng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí giải ngân... cho bên cho vay. Nạn nhân nhẹ dạ cả tin sẽ chuyển tiền nhiều lần để được vay mà không tiếp cận được số tiền, đến khi phát hiện mình lừa thì đã muộn.

Từ cuối năm 2022, xuất hiện một số nhóm đối tượng thành lập các công ty tài chính, mua bán nợ, công ty luật để kết nối, hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi (dưới hình thức ký kết hợp đồng pháp lý), sau đó tiến hành hoạt động đòi nợ trái pháp luật để cưỡng đoạt tài sản của người vay. Các đối tượng thuê nhân viên chuyên cắt ghép hình ảnh nhằm vu khống, xúc phạm người vay, thậm chí cả người thân, đồng nghiệp của người vay. Nhiều vụ vu khống, xúc phạm cả hiệu trưởng, giáo viên, lãnh đạo một số cơ quan nhà nước, khiến dư luận bức xúc. Đáng chú ý, khi đòi nợ, các đối tượng sử dụng sim "rác", gọi bằng phần mềm trên máy tính, sử dụng tài khoản giả mạo, ẩn danh để nhắn tin khủng bố tinh thần nạn nhân, cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm rồi đăng trên mạng xã hội để gây áp lực...

Theo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM, cần siết chặt công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về cho vay, thu nợ; ngăn chặn việc mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ cho các công ty thu hồi nợ ngoài ngân hàng vì dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, vi phạm pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng trên điện thoại, tài khoản mạng xã hội... để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Hiện nay, ứng dụng hiệu quả từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý số thuê bao điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam nói riêng nhằm xác thực thông tin, hạn chế, xóa bỏ các số thuê bao điện thoại, các tài khoản ngân hàng không chính chủ (sim "rác", tài khoản "rác"). Từ đó tiến tới định danh công dân và cá thể hóa trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen nói riêng.

Ngày 31/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM cho biết, đang thụ lý điều tra vụ án hình sự "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" do Hứa Chấn Hải (SN 1989, ngụ P14, Q8) cùng đồng phạm thực hiện, với thủ đoạn gọi điện cho các nạn nhân, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng VPBank để tư vấn việc nâng hạn mức thẻ tín dụng rồi yêu cầu nạn nhân truy cập đường "link", website..., nhằm chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của họ. Đề nghị người nào bị chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng mở tại Ngân hàng VPBank bằng thủ đoạn trên liên hệ Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM, gặp Điều tra viên Nguyễn Hồng Thái (ĐT: 0693.187.244) để trình báo.
Bài 2: Cần tăng cường hệ thống an ninh bảo vệ các ngân hàng
(CATP) Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) - Công an TPHCM đã đề xuất trao đổi, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nhiều vấn đề thiết thực, cấp bách. Cạnh đó, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM cũng đề ra nhiều biện pháp cảnh giác đối với loại tội phạm cướp ngân hàng.
 
Văn Toàn

Xem thêm: lmth.607451_mahp-iot-nahc-nagn-pahp-iaig-ueihn-iouc-iab/gnos-iod/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Bài cuối: Nhiều giải pháp ngăn chặn tội phạm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools