Báo cáo tài chính của Công ty cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đầu năm đạt 2.734,7 tỷ đồng, giảm 32,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chi phí vốn tăng lên mức 2.166 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 568,7 tỷ đồng, giảm mạnh 71,24% so với mức thực hiện cùng kỳ năm trước.
Kết quả là lợi nhuận của Phân bón Cà Mau giảm gần 85%, xuống còn 229,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong giải trình biến động kết quả kinh doanh quý I, Công ty cho biết, doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là do giá phân bón giảm mạnh.
Phân tích kỹ báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu bán ure đạt 2.290,3 tỷ đồng, giảm 64,58%, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 3.769,5 tỷ đồng. Trong đó, bán trong nước giảm còn 1.405,9 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ và đóng góp 50% vào tổng doanh thu. Doanh thu xuất khẩu cũng giảm mạnh, còn 884,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mảng này đạt 2.195,4 tỷ đồng.
Doanh thu bán NPK đạt 68,7 tỷ đồng, giảm 58,36% so với cùng kỳ. Mảng phân bón và bao bì mang lại 407,1 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần cùng kỳ và đóng góp gần 15% vào tổng doanh thu. Doanh thu bán phế phẩm và các sản phẩm khác mang lại 59,5 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu dịch vụ, với 4,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 55,48%, lên gần 277 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí quảng cáo, truyền thông trong quý lên 116,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại ghi nhận sụt giảm 54,45%, xuống còn 9 tỷ đồng, nguyên nhân là do lỗ chênh lệch tỷ giá xuống còn 8,9 tỷ đồng. Các mảng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng đều sụt giảm, lần lượt giảm 40,61% và 99,31%.
Quý I năm nay ghi nhận mức lãi thấp nhất trong 7 quý gần nhất của Phân bón Cà Mau.
Vấn đề gây ồn ào là trong khi kết quả kinh doanh giảm mạnh, báo cáo tài chính của doanh nghiệp lại ghi nhận khoản mục thù lao cho các lãnh đạo tăng mạnh. Cụ thể, báo cáo quý I/2023 cho thấy doanh nghiệp đã chi hơn 10 tỷ đồng thu nhập cho các lãnh đạo cấp cao, tăng hơn 31,13% so với cùng kỳ năm trước.
Thù lao lãnh đạo Đạm Cà Mau. Thuyết minh báo cáo tài chính công ty mẹ Đạm Cà Mau quý I/2023. |
Cụ thể, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Văn Tiến Thanh, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc nhận thù lao 901,3 triệu đồng (cùng kỳ năm 2022 là 669,7 triệu đồng).
Loạt thành viên Hội đồng quản trị và phó tổng giám đốc của Công ty nhận thù lao 748,6 triệu đồng (cùng kỳ năm ngoái là 521,6 triệu đồng).
Kế toán trưởng là ông Đinh Như Cường và Trưởng ban Kiểm soát là bà Phan Thị Cẩm Hương nhận thù lao 711,5 triệu đồng (cùng kỳ năm 2022 là 462,9 triệu đồng).
Hai kiểm soát viên là ông Đỗ Minh Dương và ông Trần Văn Bình nhận thù lao lần lượt là 593,3 triệu đồng và 539,2 triệu đồng (cùng kỳ năm 2022, con số này lần lượt là 345,0 và 210,3 triệu đồng).
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ, có thể thấy đây là khoản quyết toán thu nhập của năm 2022, năm mà Phân bón Cà Mau đạt đỉnh lợi nhuận. Theo quy định hiện hành, trong năm, các lãnh đạo của Phân bón Cà Mau được tạm ứng thù lao, chiếm gần 80% thu nhập được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Phần còn lại được quyết toán sau khi doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm được kiểm toán. Mức thưởng cho vượt kế hoạch lợi nhuận (nếu có) cũng không quá 1,5 tháng thu nhập trong năm.
Như vậy, khoản mục chênh lệch lớn về thù lao Hội đồng quản trị, Ban điều hành Phân bón Cà Mau trong quý I năm nay so với cùng kỳ là có phần quyết toán thù lao của năm 2022 và việc thị trường xôn xao câu chuyện này có thể là do lầm tưởng chế độ lương thưởng trong quý I/2023 được trích từ kết quả hoạt động cùng quý của công ty này.