vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc sống luôn bận rộn của ông trùm hàng không giá rẻ châu Á

2023-05-04 06:49

Fernandes được coi là người đã tạo ra cuộc cách mạng cho hàng không giá rẻ châu Á. Ông sinh ra tại Malaysia và từ nhỏ đã được truyền cảm hứng kinh doanh từ người mẹ bán sản phẩm cho Tupperware.

"Bà ấy thậm chí có thể bán đá lạnh cho người Eskimo ấy chứ", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, "Tôi thường theo chân mẹ đi khắp nơi. Bà ấy bắt nhịp cho mọi người hát bài về Tupperware, còn tôi chơi piano".

Fernandes cũng luôn thích bay lượn. Ông thừa nhận một trong những sở thích của mình là nhìn máy bay cất cánh và hạ cánh tại các sân bay trên thế giới.

Năm 1987, Fernandes lấy bằng kế toán tại Trường kinh tế London. Ban đầu, ông làm việc trong bộ phận tài chính của Virgin Media Communications – công ty do tỷ phú Anh Richard Branson thành lập. Hai người sau đó trở nên thân thiết. Năm 2013, Branson còn từng mặc trang phục tiếp viên hàng không trên một chuyến bay của AirAsia sau khi thua cá cược với Fernandes.

Năm 1992, Fernandes chuyển về Kuala Lumpur để làm Giám đốc Warner Music Malaysia. Ông còn được nhận giải thưởng Setia Mahkota Selangor cho những đóng góp trong ngành âm nhạc Malaysia.

Tuy nhiên, khi Time Warner thông báo sáp nhập với America Online, ông đã nghỉ việc để hiện thực hóa mơ ước từ nhỏ, là lập một hãng hàng không. "Khi nhận thấy ngành âm nhạc không thể ứng phó trước sự xâm nhập của Internet, tôi cho rằng cuộc chơi đã kết thúc và quyết định ra đi", Fernandes cho biết trên BBC năm 2010.

Ông thế chấp nhà của mình năm 2001 để đồng sáng lập Tune Air. Đây là công ty họ dùng để mua lại AirAsia sau này.

Đồng sáng lập AirAsia Tony Fernandes

Đồng sáng lập AirAsia Tony Fernandes. Ảnh: Bloomberg

Fernandes cho biết ông nhận thấy cơ hội trong ngành hàng không khi đang ngồi trong một quán bar ở London, xem tỷ phú Stelios Haji-Ioannouon – nhà sáng lập hãng bay giá rẻ EasyJet nói về lĩnh vực này. Thời điểm đó, các công ty lữ hành trực tuyến như Lastminute.com cũng trở thành startup nổi tiếng và được nhà đầu tư yêu thích.

Fernandes gia nhập ngành hàng không khi ngoài 30 tuổi, bằng việc mua lại AirAsia năm 2001 với giá 1 ringgit Malaysia. Khi đó, giá này tương đương 0,3 USD.

Ban đầu, ông nghĩ đến việc tự lập một hãng bay. Nhưng Thủ tướng Malaysia khi đó - ông Tun Dr Mahathir Mohammad - lại khuyên Fernandes mua một hãng bay đang tồn tại và tái cấu trúc nó. Vì thế, ông đã mua AirAsia - hãng bay đang nợ nần chồng chất thuộc công ty quốc doanh - DRB-Hicom với giá tượng trưng chỉ một ringgit (25 cent khi đó). Nhưng để đủ tiền mua lại và điều hành AirAsia, ông đã phải thế chấp cả nhà và dùng thêm tiền tiết kiệm cá nhân.

Khởi đầu chỉ với 2 máy bay, AirAsia lập tức tái định vị thương hiệu là hãng bay giá rẻ, chỉ phục vụ các dịch vụ cơ bản. Ban đầu, họ bán vé cho các chuyến bay nội địa Malaysia với giá chỉ 3 USD. Trong một số chương trình khuyến mãi, giá này còn về 0 đồng. Đến đầu năm 2004, họ đã có chuyến bay từ Kuala Lumpur đến các điểm đến quốc tế và nhanh chóng thành lập thêm nhiều hãng bay trong khu vực.

Ở thời điểm bị mua lại, AirAsia đang thua lỗ, gánh khối nợ 40 triệu ringgit. Tuy nhiên, cuối năm 2002, hãng này hòa vốn, trả được hết nợ. Một năm sau đó, họ đạt lợi nhuận 20 triệu ringgit. Năm 2019 – ngay trước khi đại dịch xảy ra, hãng ghi nhận doanh thu 11,8 tỷ ringgit và lợi nhuận hoạt động 725 triệu ringgit.

Với khẩu hiệu "Tất cả mọi người đều có thể bay", những chiếc máy bay sơn màu đỏ trắng của AirAsia trở thành lựa chọn phổ biến cho việc di chuyển đến các địa điểm như Bangkok, Singapore, Jakarta và Phnom Penh. Giá vé rẻ làm bùng nổ hoạt động bay trong khu vực, đáp ứng nhu cầu di chuyển của tầng lớp trung lưu và giảm thời gian di chuyển giữa hàng nghìn hòn đảo.

"Ông ấy rất nhanh chóng đọc vị được thị trường và nắm bắt cơ hội. Tony là người đầu tiên tận dụng thị trường bay giá rẻ. Sự đóng góp của ông ấy vào việc phổ biến bay giá rẻ trong khu vực là rất lớn", Shukor Yusof – nhà sáng lập hãng tư vấn hàng không Endau Analytics cho biết trên Bloomberg. Ông lần đầu gặp Fernandes trong một sự kiện của AirAsia tại Intercontinental Hotel ở Singapore năm 2002.

Các máy bay của AirAsia tại Kuala Lumpur năm 2020. Ảnh: Reuters

Các máy bay của AirAsia tại Kuala Lumpur năm 2020. Ảnh: Reuters

Ngoài AirAsia, Fernandes còn có nhiều sở thích khác. Ông đồng sở hữu một đội đua Công thức 1 và một câu lạc bộ bóng đá ở London. Ông cũng dẫn phiên bản châu Á của show truyền hình thực tế Người tập sự (The Apprentice).

"Ảnh hưởng của Tony đã cho thấy tầm quan trọng của thương hiệu và người tiên phong", Tim Bacchus – nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nhận xét, "Rất công bằng nếu nói Fernandes là người tiên phong trong lĩnh vực hàng không giá rẻ châu Á. Ông cũng là người có tầm nhìn trong việc mang mô hình này đến châu Á, giúp việc di chuyển bằng máy bay trở nên vừa túi tiền hơn với nhiều người".

Airbus là cái tên hưởng lợi lớn từ sự trỗi dậy của AirAsia. Hãng bay này là một trong những khách hàng lớn nhất của họ. Tại Triển lãm Hàng không Farnborough năm 2014, Fernandes đặt mua 50 máy bay thân rộng với trị giá 14 tỷ USD, xác nhận thương vụ bằng một cái hôn lên má Giám đốc tác nghiệp của Airbus.

"Sức hút và khả năng truyền cảm hứng của Tony rất đáng ngạc nhiên. Tôi từng mời ông ấy làm diễn giả trong một sự kiện, và phải nhờ cảnh sát bảo vệ ông ấy trước người hâm mộ cuồng nhiệt", Piyush Gupta – Giám đốc DBS Group Holdings cho biết.

Dù vậy, quá trình kinh doanh của Fernandes không phải lúc nào cũng suôn sẻ. AirAsia X – mảng bay chuyên đường dài của AirAsia - là khách hàng top đầu của A330neo thân rộng, với các đơn hàng trị giá 23 tỷ USD. Dù vậy, họ cuối cùng chỉ nhận 15 chiếc do khó phát triển mảng này. Khách hàng thích đủ dịch vụ, tiện nghi nếu phải bay dài.

Năm 2014, một máy bay của AirAsia rơi xuống vùng biển thuộc Indonesia, khiến 162 người thiệt mạng. Thảm kịch này sau đó được cho là vì một vết nứt trong linh kiện thuộc hệ thống điều khiển bánh lái, cũng như sai sót của phi công.

Năm 2020, Fernandes từ chức CEO AirAsia sau một cuộc điều tra của Văn phòng chống Lừa đảo thuộc Chính phủ Anh về việc hối lộ với một đơn hàng của Airbus. Dù vậy, ông sau đó được tuyên vô tội. Giới chức Ấn Độ cũng đang điều tra Fernandes về các khoản thanh toán được cho là để gây ảnh hưởng lên chính sách công tại đây.

Số lượt hành khách của AirAsia. Đồ thị: Bloomberg, Statista

Số lượt hành khách của AirAsia. Đồ thị: Bloomberg, Statista

Gần đây nhất, Covid-19 gây ra thách thức chưa từng có tiền lệ với ngành này. Tổ chức Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng bay toàn cầu mất 200 tỷ USD trong 3 năm qua. Thị trường chủ chốt của các hãng - Trung Quốc - lại đóng cửa không phận quốc tế trong thời gian dài, có thể khiến ngành này mất thêm ít nhất một năm nữa mới quay về mức tiền đại dịch.

"Chúng tôi vừa trải qua cuộc khủng hoảng tệ nhất trong cuộc đời", Fernandes cho biết trong cuộc phỏng vấn vài ngày trước với Bloomberg. Lượng hành khách của AirAsia chỉ còn 4,8 triệu lượt năm 2021, so với 52 triệu năm 2019. Họ đã phải xếp xó phần lớn trong số 200 máy bay khi việc đi lại bị hạn chế.

AirAsia đã đóng cửa liên doanh tại Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng vẫn hoạt động ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Họ đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Campuchia.

Dù ngành hàng không đã phục hồi đáng kể trong năm 2023, giá nhiên liệu cao và các vấn đề kinh tế có thể tiếp tục kìm hãm nhu cầu. Giá vé siêu rẻ mà nhiều hãng đang áp dụng có thể không tồn tại lâu nữa, khi các hãng bay vật lộn tìm lợi nhuận.

"Biên lợi nhuận không được tốt lắm. Tôi nghĩ giá vé đang quá thấp", Fernandes nói.

Năm ngoái, Fernandes cải tổ công ty, đổi tên thành Capital A, nhưng mảng bay vẫn giữ tên AirAsia. Capital A còn vận hành một siêu ứng dụng có thể dùng để đặt vé, đặt khách sạn, taxi, đồ ăn và cung cấp nhiều dịch vụ fintech khác.

Fernandes nói rằng tái cấu trúc thương hiệu sẽ phản ánh tốt hơn việc công ty "không chỉ là một hãng bay nữa". Họ sẽ theo đuổi mô hình công ty mẹ, rót tiền đầu tư vào lĩnh vực di chuyển và phong cách sống.

Capital A dự kiến các mảng kinh doanh ngoài hàng không sẽ đóng góp 50% doanh thu cho tập đoàn năm 2026. Việc này sẽ mở đường cho Fernandes rời AirAsia và tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác.

"Một lãnh đạo tốt biết khi nào nên rời đi", Fernandes cho biết trong cuộc phỏng vấn tại Singapore với Bloomberg, "Chuyến phiêu lưu của tôi với ngành hàng không sắp dừng lại. Tôi sẽ phải nghĩ về kế hoạch kế nghiệp. Tôi không biết chính xác khi nào việc này diễn ra. Nhưng tôi phải đưa ra vấn đề để thu hút lãnh đạo phù hợp".

Fernandes kỳ vọng đây sẽ là người trong công ty và đến từ Đông Nam Á. Dù vậy, ông cũng không loại trừ khả năng khác. "Thực ra, tôi cũng không quan tâm họ đến từ đâu. Chúng tôi không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc. Miễn là anh làm được việc", ông nói.

Doanh nhân 58 tuổi sẽ chuyển sang kế hoạch tiếp theo khi ngành hàng không phục hồi sau đại dịch. "Tôi thích đầu tư cổ phần tư nhân với một đội lãnh đạo năng động. Tôi muốn giúp người trẻ thay đổi thế giới. Tôi tin rằng sẽ có mô hình giá rẻ cho lĩnh vực giáo dục và y tế. Đây là hai thứ gây phân hóa nhiều nhất trong xã hội", ông nói.

"Tôi không bao giờ ngồi yên. Tôi sẽ luôn làm một thứ gì đó", Fernandes khẳng định.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Xem thêm: lmth.5798954-a-uahc-er-aig-gnohk-gnah-murt-gno-auc-nor-nab-noul-gnos-couc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc sống luôn bận rộn của ông trùm hàng không giá rẻ châu Á”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools