Anh Nguyễn Ngọc Thanh (cư dân chung cư Nhà Sài Gòn) cho biết chung cư được bàn giao cho cư dân vào ở từ năm 2019. Từ đó tới nay, giữa cư dân và ban quản trị, ban quản lý xảy ra nhiều mâu thuẫn gay gắt.
Cư dân cho rằng ban quản trị được bầu ra mà không thông qua ý kiến của cư dân, phí quản lý 10.000 đồng/m2 là quá cao, tranh chấp diện tích chung - riêng, an toàn PCCC...
Cư dân đã làm đơn đề nghị được đối thoại, tổ chức hội nghị nhà chung cư, đề nghị thay đổi ban quản trị, ban quản lý nhưng không được đáp ứng.
Từ tháng 8-2021, một số cư dân đã phản đối bằng cách không đóng phí quản lý, còn tiền điện nước thì vẫn đóng bình thường.
Từ cuối tháng 11-2021, căn hộ của những cư dân không đóng phí quản lý bị cắt nước khoảng vài tiếng. Đỉnh điểm là vào ngày 15-4-2023 vừa qua, chung cư Nhà Sài Gòn đã cắt nước các căn hộ không đóng phí quản lý từ 13h30 đến khoảng 21h30.
"Chúng tôi vẫn đóng tiền nước đầy đủ. Việc cắt nước làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân. Tôi đi làm về mệt mỏi mà không có nước dùng, đối với các gia đình có con nhỏ thì việc cắt nước càng khó chịu hơn. Chúng tôi bỏ một số tiền lớn ra để mua nhà ở đây, nhưng quyền lợi không được bảo vệ" - chị Võ Thị Bích Hằng, một cư dân, bức xúc.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Nguyễn Trung Dũng, trưởng ban quản lý chung cư Sài Gòn Home, nhưng ông này nói mình đang bận và không thể sắp xếp ngày nào để tiếp phóng viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ông Phan Thanh Phong, phó chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, cho biết phường đã nắm sự việc và yêu cầu chung cư phải mở nước ngay.
Hiện tại phường đang làm các công tác để tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường trong tháng 5. Hội nghị sẽ bầu lại ban quản lý chung cư. Cư dân cũng cam kết sau khi có ban quản lý mới sẽ đóng các khoản phí vận hành còn thiếu theo quy định.
Phường cũng đã làm việc và yêu cầu chủ đầu tư cam kết từ nay tới lúc tổ chức hội nghị không được cắt nước của cư dân. Đây là vấn đề an ninh trật tự của địa phương, phường sẽ theo dõi sát.
Ban quản lý có quyền cắt nước không?
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM), nhiều chung cư đang cho rằng cư dân không mua nước trực tiếp từ nhà máy nước mà nước được chung cư mua và phân phối lại cho cư dân. Việc ban quản lý có được quyền cắt nước của cư dân (khi không đóng phí quản lý) hay không còn phụ thuộc vào nội quy nhà chung cư.
Nếu trong nội quy nhà chung cư có quy định ban quản lý được cắt nước khi cư dân không đóng phí quản lý thì việc ban quản lý cắt nước khi cư dân không đóng phí quản lý là không sai. Còn nếu điều này không có trong nội quy nhà chung cư thì việc tự ý cắt nước của cư dân là sai.
Còn luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi có tranh chấp về phí quản lý giữa cư dân với ban quản lý hay với ban quản trị, việc áp dụng chế tài bằng việc cắt điện, nước sinh hoạt của cư dân là hành động sai trái.
Theo ông Phát, phụ lục số 2 của văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BXD về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cấu thành giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (hay được gọi là phí quản lý) không có quy định về tiền điện. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra giữa cư dân và ban quản lý hay ban quản trị, họ không được quyền cắt điện, nước của cư dân.
TTO - Người dân sinh sống tại chung cư HQC Plaza, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM) phản ánh trong ngày nghỉ và cao điểm nắng nóng nhưng chung cư bị cúp nước khiến cư dân một phen khốn đốn. Chủ đầu tư nói gì?