Trong tình hình ca mắc tăng, làm gì để phòng biến chứng nặng, đặc biệt ở nhóm có bệnh nền, người có nguy cơ...?
Ca tử vong chưa tiêm đủ vắc xin, có bệnh nền
Từ giữa tháng 4 đến nay, số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại, có ngày vượt mốc 3.000 ca mắc mới. Ngày 22-4, cả nước ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19 sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào.
Sau đó, từ 22-4 đến 2-5, theo số liệu Bộ Y tế thống kê được đã có 9 ca tử vong do COVID-19, nhưng thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, con số này là 11 ca. Nâng tổng số ca không qua khỏi do COVID-19 tại Việt Nam lên 43.197 ca, chiếm tỉ lệ 0,4%/tổng số ca nhiễm.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hầu hết trường hợp tử vong do COVID-19 gần đây thuộc nhóm nguy cơ cao: có bệnh nền, người cao tuổi hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.
Ca tử vong thông báo hôm 29-4 là bệnh nhân 45 tuổi (ngụ tỉnh Bắc Giang) tử vong sau khi mắc COVID-19 trên nền bệnh xơ gan đã phát hiện 2 năm, bệnh nhân mới tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19.
Trước đó, bệnh nhân 54 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương) cũng qua đời sau gần 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì mắc các bệnh lý tim mạch và nhiễm COVID-19 vào giữa tháng 4. Cả 3/3 trường hợp tử vong thông báo trong ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ này đều chưa tiêm đủ mũi vắc xin.
Một chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định do số ca mắc trong cộng đồng gia tăng dẫn đến ca tử vong cũng gia tăng.
"Khi số ca mắc gia tăng, đồng nghĩa với nguồn bệnh gia tăng. Đối với cộng đồng khỏe mạnh sẽ không đáng ngại, tuy nhiên nhóm người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn.
Mặc dù số ca tử vong có gia tăng nhưng Việt Nam cũng chưa phát hiện biến thể COVID-19 mới, cơ sở y tế vẫn đảm bảo thu dung, điều trị không đáng lo ngại. Người dân không phải quá lo lắng nhưng cần chú ý tiêm chủng vắc xin để hạn chế nguy cơ chuyển nặng và tử vong", vị này cho hay.
Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao, để bảo vệ nhóm đối tượng này trước diễn biến số ca mắc gia tăng. Trong những ngày nghỉ lễ, mỗi ngày vẫn có khoảng 1.000 mũi vắc xin được tiêm cho người có nhu cầu và chỉ định.
Chưa ghi nhận biến thể mới
Theo ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể Omicron đã xuất hiện trong hơn 1 năm qua với hơn 500 biến thể phụ khác nhau.
Việt Nam hiện đã ghi nhận tất cả những biến thể phụ của chủng Omicron. Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh nhưng biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn so với các chủng vi rút ghi nhận trước đó. Tuy nhiên hiện chưa phát hiện biến thể thế hệ mới sau Omicron.
"Hiện nay chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh. Các biện pháp phòng dịch vẫn được áp dụng là tiêm vắc xin phòng COVID-19, khử khuẩn và khẩu trang", ông Lân cho hay.
Nhiều người dân đã tiêm 2 mũi bổ sung khá lâu và lo ngại về khả năng bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19 đã giảm hiệu lực.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lân cho biết theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
"Bộ Y tế cũng sẽ rà soát, cân đối các yếu tố nguy cơ của dịch bệnh để có khuyến cáo tiêm chủng kịp thời và đúng thời điểm, nếu chúng ta tiêm sớm quá sẽ gây lãng phí", ông Lân cho hay.
Sau lễ, mắc COVID-19 phải làm gì?
Các chuyên gia nhận định sau kỳ nghỉ lễ số ca mắc COVID-19 có thể gia tăng trở lại. Bộ Y tế khuyến cáo, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, người dân có thể tự xét nghiệm nhanh tại nhà hoặc đến trạm y tế xã phường để được kiểm tra.
Khi có kết quả dương tính với COVID-19 cần tuân thủ cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Hiện nay người dân mắc COVID-19 vẫn thực hiện cách ly 7 đến 10 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những người có biểu hiện ho, sốt, ngạt mũi, không có kết quả dương tính với COVID-19 cũng nên chủ động đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với mọi người xung quanh để phòng tránh bệnh cho cộng đồng.
DƯƠNG LIỄU
Ca tử vong ở nhóm cao tuổi, bệnh nền
Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, miễn dịch giảm do thời gian hoàn thành tiêm vắc xin đã khá dài, số ca mắc gia tăng những ngày qua kéo theo số tử vong có gia tăng, mặt khác ca tử vong cũng gặp nhiều ở nhóm người cao tuổi, chưa tiêm đủ vắc xin hoặc có bệnh nền, thuộc nhóm nguy cơ cao.
"Điều trị COVID-19 hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng, cách ly người mắc bệnh với nhóm nguy cơ cao để tránh lây nhiễm sang nhóm này, đồng thời tiêm phòng nhắc lại cho người chưa tiêm đủ mũi. Gia đình có người cao tuổi, người có bệnh nền... mắc COVID-19 nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc kháng vi rút sớm.
Nếu không mua được thuốc kháng vi rút dạng viên uống có thể phải sử dụng loại kháng vi rút dạng tiêm, truyền hiện đang sử dụng tại bệnh viện để tránh các diễn biến nặng" - bác sĩ Hùng hướng dẫn.
Về vắc xin ngừa COVID-19, hiện kho quốc gia và các tỉnh thành vẫn còn số lượng hàng trăm ngàn liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Theo bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin hiện có được đánh giá có hiệu quả trong giảm diễn biến nặng và giảm tử vong.
HỒNG HÀ
Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 mới trên cả nước 'chững lại' với 1.201 ca, ca bệnh nặng giảm, và có đến 541 ca được công bố khỏi bệnh. Đồng thời không ghi nhận ca tử vong nào.
Xem thêm: mth.20043058040503202-gnat-aig-91-divoc-od-gnov-ut-ac-oas-iv/nv.ertiout