Nhận biết phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu
TS BS. Lê Phi Long, phó trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) chiếm 70 - 80% trường hợp người bệnh loét chân mạn tính.
Tình trạng này bắt nguồn từ sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch tại các chi. Theo thời gian, lưu lượng máu bị ứ đọng tại các tĩnh mạch ở chi càng lớn, dẫn đến tình trạng căng cứng, phù nề chi. Về lâu dài gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa tại chỗ, loạn dưỡng, từ đó hình thành các vết lở loét.
Theo BS CKI. Nguyễn Đức Chỉnh - Khoa Tim mạch can thiệp, khoảng 50% người bệnh thuyên tắc HKTMS tiến triển sang hội chứng hậu huyết khối và khoảng 10% bị loét mạch.
Diễn tiến bệnh được chia thành 6 mức độ với các biểu hiện tăng dần. Trong đó, đau chân, chuột rút, dị cảm, ngứa hoặc tình trạng giãn mao mạch, tĩnh mạch, phù chân,... là những dấu hiệu ban đầu dễ nhận biết, báo hiệu sớm tình trạng phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS.
Phương pháp điều trị phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu
Theo BS CKI. Nguyễn Đức Chỉnh, phương pháp điều trị phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS được chia thành 3 nhóm:
- Điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống, tăng cường vận động, sử dụng các phương pháp hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép);
- Điều trị bằng thuốc (sử dụng thuốc kháng đông, có thể kết hợp thuốc tăng trương lực tĩnh mạch);
- Điều trị can thiệp bằng phẫu thuật (đặt stent, lấy huyết khối,...).
Đối với nhóm người bệnh là phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc người bệnh ung thư, việc áp dụng phương pháp điều trị cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
BV ĐHYD TP.HCM mang đến phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến và toàn diện các bệnh lý tĩnh mạch, giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh ở mức cao nhất.
Bệnh viện trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong điều trị. Phác đồ điều trị được xây dựng tối ưu, dựa trên tình trạng bệnh và thể trạng hiện tại. Người bệnh được khuyến khích tham gia các buổi vật lý trị liệu nhằm phục hồi và chức năng, sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Theo TS BS. Lê Phi Long, thay đổi chế độ sinh hoạt, sử dụng dụng cụ hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép, dùng thuốc kháng đông đúng theo chỉ định của bác sĩ,... là những "vũ khí chính yếu" trong điều trị phòng ngừa hội chứng hậu huyết khối do HKTMS.
Thấu hiểu mức độ nguy hiểm của bệnh lý phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS, Trung tâm Truyền thông phối hợp Công ty TNHH Bayer Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Nhịp cầu tim mạch với chủ đề: "Phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu".
Mời bạn theo dõi tại: https://bit.ly/huyetkhoitinhmachsau
Chương trình tư vấn: phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu