Đổi đời nhờ võ Việt
"Văn hóa Việt Nam cũng như nguyên lý võ thuật của vovinam là điều mà các võ sĩ Campuchia rất thích khi nói đến. Đòn thế vovinam khi cần rất mạnh mẽ, nhưng có lúc cũng ôn hòa - lấy nhu thắng cương như triết lý cây tre mà các thầy hay nhắc đến", Raksmy nói với chúng tôi. Tất cả đều bằng tiếng Việt.
Năm nay 37 tuổi, Raksmy đã gắn bó gần như nửa cuộc đời với vovinam. Cô là một trong những môn đệ đầu tiên của vovinam, khi võ phái Việt Nam này được truyền bá sang Campuchia vào đầu thập niên 2010.
Vovinam không phải là môn võ đầu tiên mà Raksmy trải nghiệm. Cô tập taekwondo từ nhỏ, và được gọi lên tuyển từ năm 18 tuổi (năm 2004). Nhưng sự nghiệp taekwondo đỉnh cao của cô chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 năm.
Năm 22 tuổi, Raksmy lập gia đình và cảm nhận mình không còn đủ sức khỏe để vừa có thể làm mẹ, vừa tiếp tục theo đuổi nghiệp võ đài.
Nhưng rồi chỉ 3 năm sau, cơ duyên võ thuật một lần nữa lại đến với cô gái người Campuchia. Khi đó, cô đang làm trợ lý cho ông Rat Sokhorn - doanh nhân gốc Việt và là chủ tịch Liên đoàn Vovinam Campuchia vừa được thành lập.
Biết cô trợ lý của mình có tố chất võ thuật, ông Sokhorn khuyên Raksmy đến với vovinam. Cô lưỡng lự, nhưng rồi cũng nhận lời đi tập thử. Và hóa ra cuộc đời cô gái Campuchia sang trang từ đó.
Khi còn chơi taekwondo, thành tích của Raksmy, cũng giống như nhiều đồng đội Campuchia khác không mấy nổi bật. Nhưng từ khi chuyển sang vovinam, cô như cá gặp nước.
Có tố chất, lại chịu khó tập luyện nên cô giành ngay 3 huy chương bạc ở Giải vô địch thế giới 2011 tại TP.HCM vào tháng 7. Sau đó giành tiếp 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại SEA Games 26 ở Indonesia. Những năm sau đó, cô gặt hái huy chương SEA Games lẫn thế giới đều đều.
Cần biết, thể thao Campuchia không mạnh nên họ thưởng khá nhiều cho thành tích đoạt huy chương thế giới hoặc SEA Games. Mức thưởng mà Raksmy nhận được cho việc giành huy chương vàng thế giới hoặc SEA Games dao động từ 5.000 USD cho đến 40.000 USD tùy năm.
Cứ như vậy, từ một cô gái vất vả mưu sinh phải sống dựa vào gia đình, Raksmy bắt đầu có một cuộc sống tốt hơn.
Muốn được quảng bá vovinam
Nhưng đó không phải là tất cả những gì cô gái Campuchia nghĩ đến khi tập luyện vovinam.
"Ban đầu, động lực của tôi là muốn tập cho khỏe người. Sau đó, khi trở lại đời vận động viên chuyên nghiệp tôi rất hạnh phúc vì đoạt được những tấm huy chương vàng quốc tế. Đó là điều tôi không dám mơ đến khi còn tập taekwondo.
Nhưng đến bây giờ, sau hơn 10 năm tập luyện miệt mài, vovinam giống như cả cuộc đời tôi vậy. Tôi muốn được dạy môn võ này cho các bạn trẻ Campuchia. Muốn được thấy vovinam phát triển trên quê hương tôi", Raksmy nói.
Với tham vọng đó, cô gái Campuchia cùng một lúc làm ba việc. Cô vẫn tiếp tục tập luyện và thi đấu trong đội tuyển Campuchia ở kỳ SEA Games có lẽ là cuối cùng của đời vận động viên. Mặt khác, ở tuổi 37, Raksmy là đàn chị dày dạn kinh nghiệm. Cô cũng làm công tác huấn luyện viên trong đội.
Ngoài ra, Raksmy còn mở một lớp dạy vovinam, với khoảng 50 học viên ở Phnom Penh. "Chúng tôi muốn có nhiều người Campuchia theo học vovinam nên sau khi tập luyện xong, chúng tôi chia nhau đi dạy ở bên ngoài nữa. Lớp của tôi hết phân nửa là các em từ 12 đến 18 tuổi. Còn lại là lớn hơn, đang đi học đại học hoặc đã đi làm. Nhưng điểm chung là họ đều rất mê vovinam", Raksmy kể.
Không chỉ luyện võ, Raksmy tìm tòi ít nhiều về nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời cũng tập nói tiếng Việt cho thật sõi để hướng dẫn thế hệ đàn em. Cô tin rằng, nếu các võ sĩ Campuchia tiếp tục thi đấu ấn tượng, đồng thời các lò võ ngày càng nhiều học viên, sẽ có ngày vovinam đi vào cả chương trình thể thao học đường ở xứ sở chùa tháp.
Hành trình "phát dương quang đại" môn võ Việt phụ thuộc rất nhiều vào những người như Raksmy.
Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32"
1. Nội dung:
Trong mọi sự kiện thể thao lớn, luôn có những câu chuyện hay, nhân văn được chuyển tải đến cộng đồng.
Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 sẽ phát hiện, ghi nhận và giới thiệu các câu chuyện truyền cảm hứng tại kỳ đại hội này qua các hình thức như bài viết, chùm ảnh hoặc video trên chuyên mục "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32", đăng tải trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi kết thúc SEA Games, dựa trên những tác phẩm đã được đăng tải, ban giám khảo sẽ bình chọn ba (03) nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng nhất tại SEA Games 32. Số điểm của ban giám khảo sẽ chiếm 70% và lượt like của bạn đọc dành cho nhân vật sẽ chiếm 30% tổng điểm để quyết định chọn ba nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất.
2. Đối tượng bình chọn:
Tất cả những VĐV, HLV, tình nguyện viên, khán giả và những người góp mặt tại SEA Games 32 có câu chuyện truyền cảm hứng phù hợp với tinh thần và giá trị của kỳ đại hội này đều là đối tượng hướng tới của chương trình.
Đặc biệt, "Nhân vật truyền cảm hứng SEA Games 32" không chỉ trong phạm vi đoàn thể thao Việt Nam mà sẽ mở rộng nhân vật và câu chuyện ấn tượng của các đoàn thể thao khác tại đại hội.
3. Giải thưởng:
Ba nhân vật đoạt giải truyền cảm hứng sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình trị giá 20 triệu đồng/giải thưởng. Nếu nhân vật truyền cảm hứng đến từ các quốc gia khác trong khu vực, ban tổ chức sẽ mời sang Việt Nam để nhận giải và giao lưu tại lễ trao thưởng cuộc thi "SEA Games 32 trong mắt tôi".
TTO - 9 năm kể từ Nay Pyi Taw 2013, vovinam mới chính thức trở lại một kỳ SEA Games, chỉ khi kỳ Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á được tổ chức trên sân nhà Việt Nam.
Xem thêm: mth.41280201140503202-teiv-ov-om-caig-hnim-nert-gnam-aihcupmac-iag-oc/nv.ertiout