Công ty Cổ phần Bia Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với chiều giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần trong quý của Habeco đạt 1.172 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù giá vốn hàng bán trong kỳ ghi nhận giảm nhưng lợi nhuận gộp trong quý vẫn lao dốc từ 355 tỷ đồng xuống còn 246 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 44%.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Habeco đạt 45 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi tiền cho vay.
Đáng chú ý, trong quý Habeco đã rất nỗ lực trong việc tiết giảm chi phí. Cụ thể, nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo mà chi phí bán hàng giảm 13% xuống còn 205 tỷ đồng.
Kết quả, sau thuế ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội ghi nhận lỗ 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi với 34,5 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Habeco báo lỗ sau 11 quý liên tiếp có lãi kể từ quý II/2020.
Giải trình biến động lợi nhuận, Habeco cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm.
Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023, Habeco ghi nhận tổng tài sản ở mức 6.582 tỷ đồng, giảm 9% so với số đầu năm. Dư nợ tính đến cuối kỳ của Habeco đạt 1.281 tỷ đồng, thấp hơn 33% so với đầu kỳ, trong đó, chiếm đa số là nợ ngắn hạn.
Tính đến cuối tháng 3/2023, Habeco sở hữu 80,5 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngành bia rượu này không có khoản vay dài hạn nào. Vốn chủ sở hữu đạt 5.301 tỷ đồng, bao gồm 774 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nhận định về ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023, SSI Research dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Trong khi tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.