Khắc phục tồn tại trong thu hồi tài sản thất thoát
Trong đó, các đơn vị bộ ngành, địa phương được yêu cầu thực hiện nội dung kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi việc thực hiện để báo cáo Thủ tướng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý phải có biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo, kiến nghị biện pháp giải quyết.
Trước đó, cuối tháng 3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu loạt kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo sát sao bộ ngành, cơ quan trung ương và UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan hoạt động tư pháp về giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Rà soát văn bản pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Mục tiêu là để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản, thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có.
Xem xét nghiên cứu cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây ra thất thoát, thiệt hại tài sản đối với Nhà nước để yêu cầu bồi thường. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư bất động sản.
"Việc kiểm soát đầu tư ra nước ngoài cần được thực hiện đối với người có chức vụ, quyền hạn và người thân của họ", cơ quan Mặt trận Tổ quốc nhấn mạnh yêu cầu mở rộng tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước để hỗ trợ quá trình điều tra, xét xử và thi hành án đối với các tội phạm tham nhũng, kinh tế nói riêng và tất cả tội phạm nói chung.
Nhân dân giám sát kê khai tài sản cán bộ
Ngoài ra, Chính phủ cũng được yêu cầu chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường các hoạt động thanh tra để phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối tượng kê khai tài sản theo quy định.
Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú của người kê khai để nhân dân giám sát. Quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng có sự phân cấp quản lý, thực hiện xác minh tài sản thu nhập hằng năm.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp thực hiện điều tra song song với việc xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của Nhà nước để áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản. Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành án, đẩy nhanh việc xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cùng với đó là chủ động phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn thống nhất các hoạt động công tác còn khó khăn, vướng mắc; sớm hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền đề án thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Xem thêm: mth.69822819050503202-iot-tek-cut-uht-auq-gnohk-gnuhn-maht-nas-iat-ioh-uht-na-ed-oc-mos/nv.ertiout