Giá dầu Brent hiện đã giảm xuống còn 70 USD/thùng sau khi mất 17% kể từ giữa tháng 4 do lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và dấu hiệu phục hồi không đạt được kỳ vọng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ đang phục hồi. Trung Quốc đang tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa khi du lịch nội địa phục hồi, và các trader kỳ vọng lượng mua dầu thô của nước này sẽ duy trì ở mức cao trong vài tháng tới. Hàng tồn kho cũng đang thắt chặt trên khắp thế giới và thậm chí sẽ cạn kiệt nhanh hơn khi Ả Rập Xê Út và các liên minh OPEC+ thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng mới.
Điều đó đã trấn an ngay cả một số nhà dự báo bi quan nhất trong ngành rằng thiếu hụt nguồn cung sắp xảy ra sẽ kích hoạt đà phục hồi về giá.
Ed Morse, chiến lược gia tại Citigroup cho biết: “Việc bán tháo lớn hơn nhiều so với những gì cân bằng thị trường đang thể hiện, cụ thể là hàng tồn kho với triển vọng giảm khi mùa hè ở bán cầu bắc sắp đến”.
Sự sụt giảm của giá dầu đã giúp cho người tiêu dùng bớt căng thẳng hơn sau cú sốc lạm phát do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, tuy nhiên nó mang lại thiệt hại cho các nhà kinh doanh dầu mỏ giá lên, và gây nguy hiểm cho các công ty dầu mỏ lớn và các quốc gia sản xuất như Ả Rập Xê Út và Iraq.
Nhu cầu nhà máy lọc dầu
Sự phục hồi trên thị trường dầu thô bắt đầu từ các yếu tố cơ bản.
Sức mua của các nhà máy lọc dầu ở châu Á đã giảm trong tháng 4 do lợi nhuận từ việc sản xuất nhiên liệu giảm xuống. Trong khi đó, nguồn cung từ nhà xuất khẩu hàng đầu Nga vẫn duy trì ở mức cao bất chấp việc Nga đe dọa cắt giảm sản lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt.
Thị trường đang chững lại và Morgan Stanley – từng đi đầu trong việc dự báo giá dầu 100 USD/thùng – mới đây đã từ bỏ các dự báo về bất kỳ đợt phục hồi đáng kể nào trong năm nay.
Sự sụt giảm mạnh đi kèm với những lo lắng về nền kinh tế và rắc rối dai dẳng với các ngân hàng lan tràn khắp các thị trường ở khắp mọi nơi. Những người bán khống đã quay trở lại thị trường lần đầu tiên kể từ khi liên minh OPEC+ do Ả Rập Xê Út dẫn đầu công bố các hạn chế sản xuất mới vào đầu tháng 4.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa ING Groep NV cho biết: “Mặc dù tâm lý đang tiêu cực vào thời điểm hiện tại, nhưng thị trường đang ở trong vùng quá bán và bảng cân đối kế toán của chúng tôi vẫn cho thấy thị trường sẽ thâm hụt trong nửa cuối năm, điều này sẽ đẩy giá lên cao hơn”.
Theo UBS, mức tiêu thụ dầu tiếp tục có vẻ tốt và thậm chí có thể tăng hơn nữa trong những tháng tới. Giám đốc điều hành Shell Plc, Wael Sawan cho biết, thị trường vật chất - nơi dầu thực tế được giao dịch - vẫn mạnh và nguồn cung “khá khan hiếm”.
Chỉ báo Trung Quốc
Trong khi các trader vẫn đang chờ xem châu Á mua bao nhiêu dầu thô trong tháng này để có thêm manh mối về nhu cầu, thì Trung Quốc đang thu hút hàng hóa khi nước này dỡ bỏ các quy tắc hạn chế do Covid-19. Các chuyến bay trong nước cũng tăng mạnh trong 5 ngày nghỉ Lễ Lao động với 9,42 triệu lượt hành khách đi máy bay, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc sử dụng dầu trên thế giới cũng đang trên đà tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
Và nếu các yếu tố cơ bản xấu đi, Ả Rập Xê Út và các liên minh OPEC có thể sẽ can thiệp sâu hơn để hỗ trợ giá.
Helima Croft, chiến lược gia trưởng về hàng hóa tại RBC Capital Markets cho biết: “Hiện tại, thị trường dầu mỏ vẫn chìm trong bức tường lo lắng về suy thoái, nhưng OPEC+ vẫn hoàn toàn cam kết cố gắng hỗ trợ đà phục hồi”.
Đợt giảm giá dầu thô mới nhất diễn ra chỉ vài ngày sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng là một lời cảnh báo cho tổ chức này và các đối tác. Họ sẽ gặp nhau trực tiếp trong cuộc họp tháng 6 để xem xét chi tiết các xu hướng thị trường.
Christyan Malek, người đứng đầu bộ phận chiến lược năng lượng tại JPMorgan Chase cho biết: “Việc cắt giảm của OPEC+ sẽ giúp giảm thiểu bối cảnh thị trường đi xuống. Vai trò của OPEC+ với tư cách là ngân hàng trung ương về năng lượng không thể đến vào thời điểm quan trọng hơn”.