Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường đã có phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 khá sôi động với thanh khoản ghi nhận mức cao nhất trong khoảng nửa tháng qua. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index lại quay đầu điều chỉnh giảm sau phiên tăng khá tốt để tiến gần vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm trong ngày cuối tháng 4.
Xét về khung đồ thị ngày, dải Bollinger band và đường MA20 vẫn đang có chung xu hướng mở rộng xuống dưới cho thấy VN-Index vẫn chưa thể tìm lại điểm cân bằng và 2 phiên phục hồi trước vẫn được nhận định là phục hồi kỹ thuật ngắn hạn.
Hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo không mấy tích cực về xu hướng thị trường và cho rằng, ngưỡng hỗ trợ 1.030-1.035 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của VN-Index và trong kịch bản chỉ số thủng vùng giá này thì rủi ro phá đáy ngắn hạn cần được tính đến.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 5/5, chỉ số VN-Index vẫn mở cửa vẫn giảm nhẹ trong bối cảnh chung khá phân hóa. Mốc 1.040 điểm hiện đang là ngưỡng hỗ trợ khá tốt cho thị trường.
Tâm lý thận trọng giao dịch của cả bên mua và bên bán khiến VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu. Sau khoảng 1 giờ mở cửa, chỉ số này vẫn “loay hoay” ở mốc tham chiếu khi các nhóm lớn như ngân hàng, bất động sản đang giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau pha ngược dòng hôm qua đã đuối sức và chỉ diễn biến lình xình với SSI, VCI, ORS, HCM, BSI, FTS giảm nhẹ; trong khi VIX vẫn là điểm sáng ngành hiện đang tăng 2,6% với thanh khoản đứng thứ 2 trên thị trường, đạt hơn 8,6 triệu đơn vị.
Một số mã đơn lẻ tỏa sáng, trong đó có PGV tăng 5,1%, tâm điểm là GEX tăng 3,7% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 13 triệu đơn vị; RAL tăng 2,25%, SAM tăng 3,45%...
Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên với sức ép chính vẫn là nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh giảm và thủng mốc 1.040 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 118 mã tăng và 230 mã giảm, VN-Index giảm 2,25 điểm (-0,22%), xuống 1.038,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 301,6 triệu đơn vị, giá trị 4.856,8 tỷ đồng, giảm 18,28% về khối lượng và 21,73% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 50,72 triệu đơn vị, giá trị 826,5 tỷ đồng.
Nhóm bluechip vẫn giao dịch không mấy khả quan khi số mã giảm (18 mã), gần gấp đôi số mã tăng (10 mã). Trong đó, MSN và BVH là 2 mã tăng tốt nhất với biên độ hơn 1%, còn lại chỉ nhích nhẹ.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm sâu nhất vẫn là bất động sản với NVL giảm 2,6%, PDR giảm 1,8%, BCM giảm 1,3%, VIC giảm 1,2%, GVR và VHM cùng giảm 1%.
Trong khi đó, dòng tiền vẫn hướng về các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, GEX vẫn tỏa sáng với thanh khoản sôi động nhất, đạt 15,96 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,4% lên mức 13.850 đồng/CP; tiếp theo đó là VIX và NVL cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị, DIG khớp xấp xỉ 9 triệu đơn vị…
Cặp đôi BCG và TCD dù không còn giữ phong độ như nửa đầu phiên nhưng vẫn giữ được xu hướng tăng cùng thanh khoản khá sôi động. Ngoài ra, các mã HAG và HNG cũng khởi sắc…
Xét về nhóm ngành, với gánh nặng từ các mã lớn, bất động sản vẫn là nhóm giảm mạnh nhất.
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng nới rộng đà giảm như VND giảm 1%, SSI giảm 0,9%, VCI và HCM cùng giảm 1,4%, BSI giảm 2,5%, FTS giảm 1,75%...
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB đã lấy lại sắc xanh nhưng biên độ tăng chưa tới 0,5%, cùng các mã HDB, LPB, OCB tăng nhẹ, còn lại BID, CTG, TCB, ACB, MBB… vẫn chìm trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, thị trường cũng quay đầu giảm sau thời gian rung lắc nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,16%), xuống 207,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,35 triệu đơn vị, giá trị 500,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,07 triệu đơn vị, giá trị 19,24 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS rung lắc và chốt phiên tại mốc tham chiếu 10.200 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị. Trong khi đó, MBS tăng nhẹ 1,2%, VIG tăng 4,5%, trong khi APS giảm 0,7%...
Ở nhóm bất động sản, CEO giảm 2,8% xuống 24.200 đồng/CP, IDJ giảm 2,8% xuống 14.100 đồng/CP, IDC giảm nhẹ 0,5%...
Cổ phiếu MBG dù không giữ được sắc tím nhưng vẫn là điểm sáng thị trường khi chốt phiên tăng 5,8% lên mức 5.500 đồng/CP với thanh khoản đột biến, đạt 2,71 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,21%) lên 77,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,6 triệu đơn vị, giá trị 191,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,49 triệu đơn vị, giá trị 20,7 tỷ đồng.
Trong khi cổ phiếu chứng khoán niêm yết kém tích cực thì SBS lại ngược dòng ngoạn mục khi có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 11,7% lên 6.700 đồng/CP, thanh khoản đột biến với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu nhỏ PVX ấn tượng khi tạm dừng phiên sáng tại mức giá trần 3.100 đồng/CP, khớp lệnh chỉ thua SBS với 6,48 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2 triệu đơn vị.