Câu chuyện sai phạm về cổ phần hoá của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) vừa được “xới” lại khi đoàn nghệ sĩ gạo cội trở lại “mái nhà xưa” là trụ sở của hãng tọa lạc tại số 4 Thụy Khuê vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (15/3).
Tiếp đó, ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (được ban hành từ năm 2018 - PV) và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.
Sự việc bắt đầu vào những năm 2004 - 2014, VFS lỗ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng từ làm phim do chủ yếu sản xuất phim theo đặt hàng, kinh phí lớn khiến nguồn thu không đủ bù đắp.
Năm 2016, VFS tiến hành IPO và được Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại vào tháng 6/2017 (giữ 65% cổ phần) với nhiều hứa hẹn sẽ đầu tư "cứu" hãng phim. Tuy nhiên, thời gian sau đó xảy ra nhiều cuộc đối thoại gay gắt, đình công của cán bộ Hãng phim vì bị chậm lương và vì Vivaso không có định hướng làm phim, khiến máy móc thiết bị và gần 300 bộ phim hư hỏng còn cán bộ thì phải ra đường đi kiện tụng quanh năm...
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản... Sau Kết luận này, Vivaso đề xuất thoái vốn. Tuy nhiên cho đến nay, quá trình thoái vốn này chưa diễn ra, Kết luận của Thanh tra Chính phủ sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện còn trụ sở của VFS thì ngày ngày chứng kiến sự hoang tàn, xuống cấp, vô cùng lãng phí.
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thuỵ Khuê đã mất cả biển hiệu. Những bức tường trở nên nham nhở vì bị bong tróc sau nhiều năm (Ảnh chụp ngày 2/5/2023 - M.Minh) |
Nhiều năm nay, trụ sở VFS trở thành nơi trông giữ ô tô, xe máy... |
Trong khuôn viên VFS, những xưởng chứa đạo cụ làm phim trở nên hoang tàn, ẩm thấp. Bên cạnh đó là cảnh đun nấu nhếch nhác của một quán phở. |
Tại một góc khác trong khuôn viên Hãng phim, nhiều bàn ghế cũ xếp ngổn ngang cùng phế liệu, mùi thức ăn bốc lên ngào ngạt từ một quán nướng đang hoạt động. |
Không thể tin rằng nơi đây là trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam, “cánh chim đầu đàn” của nền điện ảnh quốc gia. |
Nhiều năm nay, thường thấy tại trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam là cảnh cửa đóng then cài, rác rưởi vây quanh. |
Thậm chí, rác thải tại một số khu vực lâu ngày không được dọn đã gây ra tình trạng bụi bặm, ô nhiễm môi trường. |
Biển hiệu Studio của Hãng phim từng là niềm kiêu hãnh ngày nào, giờ đây trông nhếch nhác vì cũ kỹ, xuống cấp. |
Chung quanh các phòng làm việc của Hãng phim, hàng quán tự phát mọc lên |
Những tấm biển hiệu bị cây cối che lấp |
Trụ sở VFS được ví là khu "đất vàng" nghìn tỷ do có lợi thế vuông vắn, rộng gần 5.500 m2, gồm ba mặt tiền nhìn ra ba con phố có vị trí đắc địa bậc nhất của thủ đô là Thuỵ Khuê, Chu Văn An và phố Nguyễn Đình Thi, ngay bên cạnh Hồ Tây. |
Mặt sau VFS là phố Nguyễn Đình Thi nhìn ra Hồ Tây. Đây là một trong những vị trí đất đắt đỏ nhất Hà Nội hiện nay, theo một số môi giới bất động sản thì có thể lên tới 400 - 500 triệu đồng/m2. |
Ông Viễn, người đã làm bảo vệ tại trụ sở Hãng phim 13 năm nay |
Trao đổi với PV Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Viễn, người đã làm bảo vệ tại trụ sở Hãng phim 13 năm nay cho biết, hiện trụ sở này đang được sử dụng để trông xe và cho thuê hàng quán, mỗi tháng thu về hơn 30 triệu đồng. Trong đó, hơn 16 triệu đồng nộp lại cho Vivaso (trong đó có 1,5 triệu đồng Vivaso đóng bảo hiểm cho ông Viễn), còn lại ông Viễn và 3 nhân sự bảo vệ khác (đã về hưu) chia nhau.
Thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nhưng người bảo vệ già đã gắn bó với Hãng phim 13 năm nay không đành lòng bỏ đi nơi khác. Ông kể, hàng ngày vẫn có một số cán bộ và lãnh đạo Hãng phim đến trụ sở, còn lại đa số họ đưa nhau đi "nơi khác" để làm phim.
Người đàn ông này cũng cho biết, ông vẫn đọc báo thường xuyên để theo dõi tiến độ giải quyết vụ sai phạm cổ phần hoá VFS.
"Tôi mong rằng vụ việc sớm được giải quyết, trụ sở được cải tạo, xây dựng để các nghệ sĩ được trở lại làm việc. Chứ như bây giờ, nhìn lãng phí, xót xa quá!", ông Viễn nói.
Mới đây, tại họp cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 24/3, một vị đại diện cho biết, cho đến nay Vivaso vẫn không hợp tác tích cực để giải quyết vụ việc (chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của VFS).
Trong khi đó, lãnh đạo Vivaso trong một phát biểu đã nói rằng, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đồng ý để Vivaso được thoái vốn trước hạn nhưng khi thực hiện, Bộ VHTTDL lại tiến hành theo hướng thu hồi cổ phần của nhà đầu tư.
"Phía Bộ yêu cầu Vivaso tính toán chi phí để hoàn trả tiền, nhưng chúng tôi thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí, cũng không biết tính toán thế nào", vị lãnh đạo nói.
Ẩn số "đất vàng"
Năm 2017, Vivaso chỉ bỏ ra 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần VFS. Đáng lưu ý, tại thời điểm IPO nói trên, giá trị thương hiệu của Hãng phim 50 năm tuổi đời và giá trị 4 mảnh "đất vàng" mà VFS đang sở hữu lại không được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Đó là trụ sở hãng phim đặt tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2; khu đất 905 m2 ở phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) được sử dụng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP.HCM) làm trường quay phim…