*Bài viết dựa trên cuộc trò chuyện giữa Rachel Rofé và Business Insider.
Hành trình phát triển bản thân
Từ năm 1977, Rachel Rofé đã nghiên cứu cách kiếm tiền online. Ban đầu, cô đã đến một số cửa hàng bán đồ second-hand để tìm các mặt hàng xa xỉ, sau đó bán lại trên eBay.
Năm 1999, cô đã trở thành nhân viên thu ngân tại Walmart và thăng tiến làm trợ lý giám đốc. Để nâng cao trình độ, Rachel cũng đã học thêm các lớp quản trị kinh doanh tại Cao đẳng cộng đồng quận Bucks và tham gia một vài khóa học trực tuyến tại đại học Drexel.
Đến năm 2006, Rachel đã mua một cuốn sách điện tử về cách kiếm tiền online và bắt đầu làm tiếp thị liên kết. Cô đã đẩy các link tiếp thị liên kết lên trang web Craigslist.
Có thời điểm, cô đã kiếm được 500-800 USD một ngày (11-18 triệu đồng). Tuy nhiên, sau một thời gian, nền tảng này đã lọc những bài đăng cùng 1 đường dẫn quảng cáo, vì vậy công việc của cô đã bị hạn chế rất nhiều.
Lúc này, Rachel bắt đầu nghĩ về những thứ cô có thể bán online. Cô đã khởi nghiệp và bán sách điện tử nhưng cũng không quá thành công.
Mô hình kinh doanh hái ra tiền
Sau đó, cô đã bắt đầu nghiên cứu về cách bán các sản phẩm thủ công/thiết kế theo hình thức POD (print-on-demand). POD là hình thức kinh doanh mà người bán sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ in ấn theo yêu cầu để tạo ra các sản phẩm có họa tiết thiết kế của mình.
Thông thường họ sẽ đăng tải ảnh sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử, chờ người mua đặt hàng, lúc này mới đem đi sản xuất và sau đó giao tới tay khách.
Ban đầu, bằng việc bán cốc in hình thú cưng (ví dụ: hình chó) lên Amazon, Rachel đã kiếm được vài trăm USD/tháng một cách nhanh chóng. Khi các đơn đặt hàng đến liên tục, cô bắt đầu thử in thêm các hình khác như câu quotes.
Đến năm 2016, công việc kinh doanh POD của Rachel đã thành công, lợi nhuận tăng liên tục và trở thành một khoản thu nhập bền vững.
Từ một cửa hàng nhỏ đi thuê, cô đã thành lập công ty chuyên các sản phẩm POD có tên là CustomHappy. Trong vòng vài tháng, các đơn đặt hàng bắt đầu tăng lên. Thực tế, để có một khởi đầu thuận lợi, một phần là nhờ lượng người theo dõi trực tuyến nhất định thông qua các công việc kinh doanh trước đây của cô.
Sau một khoảng thời gian, Rachel đã chuyển doanh nghiệp nhỏ của mình vào một nhà kho rộng 2.300 mét vuông và nâng cấp lên các máy in cốc công nghiệp.
Cô tiếp tục bán các sản phẩm in theo yêu cầu trên Amazon, Etsy và eBay. Không chỉ kinh doanh, để tăng thêm thu nhập, Rachel cũng xây dựng một khóa học trực tuyến dạy về cách vận hành mô hình kinh doanh này.
Từ năm 2020 đến năm 2022, lợi nhuận gộp của CustomHappy là 5,9 triệu USD (khoảng 138 tỷ đồng) - tương đương khoảng 46 tỷ đồng/năm. Ngoài ra lợi nhuận ròng là 1,7 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng), theo báo cáo mà Insider thu thập.
Rachel ước tính rằng khoảng 30% doanh thu của cô đến từ việc bán các sản phẩm in theo yêu cầu. Chi phí lớn nhất của công việc này là giá gốc của sản phẩm và chi phí vận chuyển - chiếm khoảng 45%.
Thu nhập từ tiếp thị liên kết chiếm khoảng 20%, còn lại đến từ việc kinh doanh các khóa học trực tuyến, huấn luyện kinh doanh,..
Lời khuyên để khởi nghiệp với mô hinh POD
Kinh doanh in theo yêu cầu POD không phải mô hình đơn giản. Rachel đã bắt đầu với suy nghĩ rằng 98% sản phẩm mà cô làm sẽ không bán được. Tuy nhiên, ưu điểm của lĩnh vực này là không phải tốn tiền cho hàng tồn kho.
Ngoài ra, cô cũng đưa ra lời khuyên rằng nên thường xuyên thử nghiệm các thiết kế và sản phẩm mới. Một số có thể sẽ không bán được nhưng có sản phẩm sẽ “hái ra tiền”.
Khách hàng sẽ không trả 20 USD cho một chiếc cốc thông thường - tương tự với các sản phẩm có giá 6 USD được bán trên Amazon. Do đó, để cạnh tranh và bán được ở mức giá đó, bạn cần đánh trúng thị trường ngách bằng cách hướng đến sở thích của một nhóm người cụ thể. “Họ sẽ vui hơn và trả nhiều tiền hơn để có được chính xác những gì họ muốn”.
"Em gái tôi rất thích chim cánh cụt và cô bé có 24 món đồ chim cánh cụt khác nhau", cô nói. Đó chính là chìa khóa.
Ngoài ra, Rachel cũng nói rằng chỉ đơn giản là chữ màu đen trên nền cốc trắng đều rất được ưa chuộng. Nhiều người mắc sai lầm khi thiết kế quá nhiều họa tiết lên sản phẩm, điều này có thể khiến sản phẩm bị “ế”.
Và nếu họa tiết đó thành công, hãy thử in lên các sản phẩm khác nhau như áo hoodie hoặc gối. Có thể nó sẽ giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn nữa.
Tham khảo BI