"Hôm qua, ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) với COVID-19. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5-5.
WHO cảnh báo COVID-19 là PHEIC vào ngày 30-1-2020. Đây là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này với bệnh truyền nhiễm.
Động thái của WHO nhằm khiến các quốc gia phải nghiêm túc với COVID-19. Sau cảnh báo, quốc tế đã lao vào cuộc đua sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị.
Việc dỡ bỏ cảnh báo PHEIC với COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong đối phó bệnh. Tuy nhiên WHO cho biết COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.
"COVID-19 đã thay đổi thế giới và nó đã thay đổi chúng ta. Nếu chúng ta quay lại mọi thứ như trước COVID-19, chúng ta sẽ không rút ra được bài học của mình và khiến thế hệ tương lai của chúng ta thất bại", ông Ghebreyesus nêu vấn đề.
Theo dữ liệu của WHO, tỉ lệ tử vong đã chậm lại từ mức cao nhất là hơn 100.000 người mỗi tuần vào tháng 1-2021 xuống chỉ còn hơn 3.500 người trong tuần tính đến ngày 24-4-2023.
Về lý thuyết, WHO không có quyền và nghĩa vụ tuyên bố thời điểm bắt đầu hay kết thúc của một đại dịch.
Điều này là do thuật ngữ "đại dịch" không nằm trong Điều lệ y tế quốc tế (IHR), khác với PHEIC. Tuy nhiên, PHEIC đang được hiểu tương đương với chữ "đại dịch".
PHEIC tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của WHO. Mỗi quốc gia tự tuyên bố tình trạng của riêng mình. Mỹ sẽ là nước kế tiếp tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn với COVID-19 từ ngày 11-5 tới, theo Đài CNN.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do COVID-19 đã giảm 95% từ đầu năm 2023, bày tỏ hy vọng chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh dịch này trong năm nay.
Xem thêm: mth.52052621250503202-91-divoc-iov-uac-naot-pac-nahk-gnart-hnit-ob-od-ohw/nv.ertiout