Trao đổi với Báo Thanh Niên, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 41 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ. Hậu quả làm 10 người tử vong, 20 người bị thương.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử phạt hành chính 9 trường hợp người đi bộ không đi đúng phần đường quy định. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 điều 9 Nghị định 100/2019 của Chính phủ: phạt tiền từ 60.000 -100.000 đồng đối với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định.
Theo PC08 Công an TP.HCM, trong quá trình tuần tra kiểm soát, đơn vị này đã phát hiện một số nguyên nhân dẫn đến việc người đi bộ vi phạm luật Giao thông đường bộ: một số vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường; tại các tuyến đường có dải phân cách cứng hoặc rào chắn phân chia làn đường, người đi bộ muốn qua đường phải di chuyển xa dẫn đến băng qua đường bất chấp nguy hiểm…
PC08 Công an TP.HCM kiến nghị, các cơ quan quản lý lề đường như: trật tự đô thị, công an phường, cảnh sát trật tự thường xuyên tổ chức khảo sát, kiểm tra các khu vực phức tạp, các tuyến đường có lề đường bị lấn chiếm sử dụng phục vụ mục đích kinh doanh riêng…, để tổ chức họp bàn các giải pháp, xử lý ngay từ đầu không để phát sinh việc lấn chiếm lòng lề đường gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người đi bộ.
Đối với các hạ tầng giao thông tại các giao lộ chưa đảm bảo, PC08 Công an TP.HCM kiến nghị Sở GTVT có phương án tổ chức giao thông cho phù hợp, bố trí lại các vạch sơn, đèn tín hiệu cho người đi bộ dễ quan sát. Đối với các giao lộ phức tạp về an toàn giao thông, cần xây các cầu vượt cho người đi bộ qua đường.
Cầu đi bộ còn nhiều hạn chế
Sở GTVT TP.HCM đang quản lý 30 cầu đi bộ (cầu vượt bộ hành) nằm trên một số tuyến đường. Bên cạnh những cầu bộ hành sử dụng hiệu quả, thì có một số cầu chưa phát huy dược tác dụng. Chính vì điều này, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ để phát huy tác dụng tối đa cầu bộ hành.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Sở GTVT TP.HCM cho hay, giá trị xây dựng cầu đi bộ tùy thuộc vào vị trí, quy mô, kết cấu và mỹ quan của cầu. Đối với các cầu đi bộ quy mô lớn vượt qua quốc lộ, thường khoảng 14 - 15 tỉ đồng, các tuyến còn lại khoảng 6 - 7 tỉ đồng. Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước, hoặc kinh phí từ xã hội hóa.
Hiện nay, kiến trúc các công trình cầu đi bộ nhìn chung còn đơn điệu, thô và nặng nề, chỉ mới đáp ứng được yếu tố về mặt kỹ thuật, công năng nhưng không thu hút được được sự quan tâm của người dân.
Công tác trang trí mỹ thuật về chiếu sáng, cây xanh và các tiện ích tiếp cận khác chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Việc đảm bảo vệ sinh trên cầu và xung quanh cầu, hệ thống thùng thu gom rác chưa đáp ứng, hệ thống thoát nước mặt cầu còn hiện tượng nghẹt dẫn đến việc người dân ngại sử dụng.
Việc đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ chưa gắn liền với các yếu tố đầu vào về điều kiện giao thông dưới lòng đường (như mật độ phương tiện, tốc độ các phương tiện chính, nhu cầu phát sinh người đi bộ băng ngang đường, hệ thống dải phân cách, đèn tín hiệu…) dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả.
Chế tài còn nhẹ
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, việc thực thi quy định pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, người thực thi công vụ và ý thức chấp hành của người dân chưa cao.
Việc chế tài, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người đi bộ sai phần đường còn chưa đủ tính răn đe, dẫn đến việc vi phạm vẫn còn tiếp diễn (chỉ phạt từ 60.000 - 100.000 đồng).
Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả các công trình cầu đi bộ. Người dân vẫn giữ thói quen băng đường cho "nhanh" và "thuận tiện" nhưng lại bỏ qua các yếu tố về an toàn cho bản thân và các phương tiện khác.
Cùng với đó, ý thức người dân về bảo vệ công trình, đảm bảo vệ sinh môi trường trên và xung quanh cầu đi bộ chưa cao, tình trạng vứt rác bừa bãi, tập kết rác sinh hoạt gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng công trình.
Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay tình trạng lấn chiếm phạm vi xung quanh cầu đi bộ để buôn bán, kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người có nhu cầu. Người nhà bệnh nhân của các bệnh viện như: Ung bướu, Nhân dân Gia Định vẫn tụ tập, sinh hoạt trên công trình cầu đi bộ ảnh hưởng đến việc sử dụng của người đi bộ.
Thậm chí, trước đây có tình trạng người tụ tập, sử dụng trái phép các chất kích thích tại một số công trình cầu đi bộ vắng người gây tâm lý e ngại cho người tham gia.
Tránh các bất cập hiện hữu khi xây mới cầu đi bộ
Sở GTVT TP.HCM cho hay, các cầu bộ hành hiện nay được giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định hiện hành. Hiện trạng các công trình cầu đi bộ đang khai thác, sử dụng bình thường. Công tác tuần tra, duy tu sửa chữa các hư hỏng, mất an toàn giao thông, kiểm định định kỳ để đảm bảo an toàn công trình diễn ra thường xuyên.
Đồng thời, các đơn vị quản lý thường xuyên phối hợp, nhắc nhở các UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện trách nhiệm về vệ sinh mặt cầu, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý tình trạng xả rác, mất cắp hoặc lấn chiếm công trình cầu.
Sở GTVT TP.HCM đang rà soát, đánh giá sự cần thiết để đề xuất kế hoạch xây dựng thêm một số công trình cầu đi bộ trong thời gian tới tại các vị trí tập trung nhiều người đi bộ, hoặc các vị trí có xảy ra tai nạn do người đi bộ băng ngang nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện như: đường Nguyễn Thái Sơn (trước Bệnh viện Quân y 175); đường Trường Chinh (gần khu vực nút giao An Sương); quốc lộ 1K; đường Nguyễn Hữu Cảnh (trước chung cư The Manor và đường D1 nối dài); Tỉnh lộ 8 (trước Trường THPT Trung Phú); đường Trần Văn Giàu (H.Bình Chánh)...
Rút kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và khai thác các công trình cầu đi bộ trong thời gian vừa qua, Sở GTVT TP.HCM sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đối với các công trình cầu đi bộ dự kiến được xây dựng mới trong thời gian sắp tới…
Sở GTVT TP.HCM tính toán kỹ về khả năng tiếp cận của người đi bộ, người khuyết tật đối với các công trình dự kiến xây dựng, đặc biệt tại các khu vực bệnh viện, trường học.
Đồng thời, tăng cường tiện ích đối với các công trình cầu đi bộ như: thang máy, điều hòa, chiếu sáng mỹ thuật, cây xanh… Riêng các công trình cầu đi bộ kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện nay đã được bổ sung hạng mục thang máy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.