Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo của Chính phủ về tình hình xử lý nợ theo nghị quyết số 94 năm 2019 của Quốc hội.
Nghị quyết 94 của Quốc hội quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết thực hiện trong 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành (1-7-2020).
Cơ bản hoàn thành 100% xử lý khoanh nợ thuế
Người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là người đã chết, mất tích hoặc giải thể, phá sản, thực tế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký với thuế, không còn khả năng nộp thuế…
Tại báo cáo, Chính phủ cho hay, tính đến hết năm 2022, cơ quan quản lý thuế đã khoanh nợ với 705.475 người nộp thuế, tổng số tiền thuế nợ được khoanh 29.897 tỉ đồng.
Trong đó, có 259.627 tổ chức, doanh nghiệp được khoanh nợ 27.548 tỉ đồng và 445.848 cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh được khoanh nợ 2.349 tỉ đồng.
Cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền 7.631 tỉ đồng.
Như vậy, đã có hơn 1 triệu người nộp thuế đã được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 37.500 tỉ đồng.
“Cơ quan quản lý thuế đã cơ bản hoàn thành 100% việc xử lý khoanh nợ so với dự kiến xử lý. Việc xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt 61% so với số dự kiến xử lý nợ của các địa phương”, Chính phủ báo cáo.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, quá trình thực hiện nghị quyết có một số khó khăn nên thời gian xử lý nợ kéo dài. Đặc biệt khi phải thực hiện yêu cầu của Quốc hội là xử lý nợ phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan.
Có khó khăn trong xử lý nợ thuế kéo dài
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 69 quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ. Trong đó quy định rõ trường hợp phải có văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và được công khai danh sách.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ theo nghị quyết 94 là xử lý với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1-7-2020, nên nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu nên hồ sơ, tài liệu bị thất lạc.
Do đó, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Thêm nữa, việc xử lý nợ được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (giai đoạn 2020 - 2022), nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong thu thập, xác minh thông tin…
Chính phủ cho hay thời gian tới, cơ quan quản lý thuế các cấp sẽ tiếp tục rà soát, xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định… đảm bảo hoàn thành xử lý nợ trong 3 năm.
TTO - Phần lớn đại biểu Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ là khoanh nợ, không hồi tố với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 và xóa số nợ thuế gần 16.400 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.35313056160503202-on-aox-on-hnaohk-coud-euht-pon-iougn-ueirt-1-noh/nv.ertiout