Chưa biết làm thế nào
Ông Châu Công Bằng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau - cho biết định hướng đến năm 2030 Cà Mau có xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển.
Tỉnh đã rà soát, đưa nội dung xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển ở Cà Mau vào quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh còn gặp một số khó khăn như hệ thống thủy lợi, điện, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản mặc dù có sự quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; nhiều khu vực nuôi chưa có hệ thống cấp nước, thoát nước hoàn chỉnh; lưu lượng thiết kế kênh chưa tính đến sự gia tăng của diện tích nuôi trồng thủy sản; hệ thống điện có nơi chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm công nghiệp...
Trước những khó khăn trên, Cà Mau đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ hoàn thiện hơn về hệ thống thủy lợi, đáp ứng nhu cầu về vốn, hạ tầng, chất lượng con giống, về chuỗi liên kết giá trị để sản phẩm không gặp tình trạng được mùa rớt giá nhằm phục vụ cho trung tâm trên dự kiến được xây dựng trong thời gian tới…
Trong khi đó, vùng tứ giác Long Xuyên sẽ có trung tâm lúa gạo tại An Giang, nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho hay tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư vào trung tâm lúa gạo lớn của khu vực, phục vụ cho cả vùng Tứ giác Long Xuyên.
"An Giang đang mời gọi xúc tiến đầu tư vào dự án này để đồng bộ vào quy hoạch của Đồng bằng sông Cửu Long như Bộ NN&PTNT đã đề ra. Do đó, hiện nay chỉ mới là dự án chứ chưa biết triển khai như thế nào. Dự án sẽ được đưa vào hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2023", ông Lâm nói.
"Trung tâm của các trung tâm" hai năm chưa xong
Trong khi các trung tâm nông, thủy sản ở các tiểu vùng gặp khó, Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ được ví là "trung tâm của các trung tâm" cũng chưa thấy hình hài sau hơn một năm làm đề án.
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 1-2022, bộ đã phối hợp UBND TP Cần Thơ và các bộ, ngành, các tỉnh triển khai các công việc, trong đó đã tổ chức ba hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Tới ngày 10-8-2022 bộ đã có văn bản xin ý kiến bảy bộ và 13 tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến ngày 24-10-2022, bộ tiếp tục có văn bản xin ý kiến bốn bộ Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng.
Đến ngày 9-2-2023 Văn phòng Chính phủ chuyển các văn bản góp ý của một số bộ để Bộ NN&PTNT tiếp tục giải trình, rà soát và chỉnh sửa. Tới ngày 3-3-2023, bộ này chính thức trình Chính phủ thành lập trung tâm này.
Theo tờ trình, trung tâm này sẽ gồm 2 khu với tổng diện tích khoảng 250ha tại quận Bình Thủy (50ha) và huyện Cờ Đỏ (200ha) với phương châm là "một điểm đến đa dịch vụ" để thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, giữa tháng 4-2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-4.
Ông Lê Thanh Tâm - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ - cho biết trong thời gian chờ đợi Chính phủ phê duyệt, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các nơi liên quan đến quy hoạch trung tâm luôn sẵn sàng cho việc quy hoạch chi tiết hơn, để sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt thì có thể kêu gọi đầu tư ngay.
Ông Dương Tấn Hiển - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - lý giải thêm việc thành lập trung tâm của các trung tâm nêu trên không phải chỉ mỗi thành phố quyết định được mà còn ở các bộ, ngành trung ương.
"Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, rồi trao đổi qua lại, đến nay cũng mấy tháng rồi, nếu được Chính phủ phê duyệt thì chúng ta triển khai ngay", ông Hiển nói.
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế):
Không nên là "cái chợ nông sản vùng"
Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là bản quy hoạch cấp vùng đầu tiên của cả nước, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển và chủ trương xây dựng "siêu trung tâm nông sản vùng" tại Cần Thơ được kỳ vọng khơi thông các điểm nghẽn tiêu thụ nông sản, mở ra giai đoạn phát triển mới cho vùng.
Nhưng đã trải qua 2 năm, vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các quy hoạch của 13 tỉnh, thành và hình hài trung tâm như thế nào cũng chưa rõ ràng trong thực tế.
Việc khởi động ban đầu cho cho đề án thành lập trung tâm cách đây hai năm là đáng ghi nhận, nhưng lo ngại về tình trạng làm chậm, phân cực, phân mảnh, phân tán nguồn lực và thiếu cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả ngày càng tăng khi đến nay hình hài trung tâm vùng và 8 trung tâm nông sản ở các tỉnh chưa rõ trong thực tế.
Trung tâm nông sản không thể là "một cái chợ nông sản vùng" theo tư duy vật lý. Câu chuyện đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản vùng như chợ gạo ở Cần Thơ, chợ trái cây ở Tiền Giang với cách làm cũ, phải chuyển đổi công năng, không mang lại hiệu quả mong muốn, cần được rút ra bài học trách nhiệm cho hiện tại.
Yêu cầu đó đòi hỏi năng lực tổ chức, hiệu quả thực thi của chính quyền và các cơ quan; yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa.
Yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bộc lộ thời gian qua, triển khai chậm các công trình trọng điểm, thực hiện chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội, cần sớm được khắc phục.
Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội trao cho TP Cần Thơ để xây dựng trung tâm nông sản vùng; hiện thực hóa quy hoạch tích hợp vùng bằng các quy hoạch khả thi của các địa phương đang là đòi hỏi bức bách.
TTO - Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông sản nhưng hiện nay lại thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, vừa giúp truy xuất nguồn gốc vừa chủ động được thị trường đầu ra.
Xem thêm: mth.76120637160503202-ohk-pag-yat-neim-o-nas-yuht-gnon-mat-gnurt-na-ud-cac-oas-iv/nv.ertiout