Theo bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện (BV) điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân, nhìn từ bên ngoài, tâm thần và COVID-19 dường như không liên quan nhưng khi đi vào thực tế mới thấy bệnh tâm thần gây khó khăn rất nhiều trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Bệnh nhân, người nuôi bệnh đều stress
BS Hiển kể một trong những ca bệnh đặc biệt trong thời gian điều trị tại đây là chị NPT, bị sang chấn tâm lý vì bạn cùng phòng mất do nhiễm COVID-19. Chị bỏ ăn uống và gần như không muốn sống tiếp, người nhà chị là nhân viên điều dưỡng BV Chợ Rẫy phải xin vào ở cùng để chăm sóc cho chị.
“BS và người nhà phải động viên, hỗ trợ rất nhiều thì chị T mới chấp nhận điều trị. Thời gian sau chị bắt đầu có động lực sống và mong chờ ngày về. Khi điều trị khỏi COVID-19, chị T cùng lúc ổn định về tinh thần và được xuất viện, tỉnh táo hoàn toàn” - BS Hiển cho biết.
Một trường hợp khác là bệnh nhân LHĐ. BS Nguyễn Phú Vinh cho biết bệnh nhân Đ bị trầm cảm sau sinh 2-3 tháng, tiếp đó cả nhà nhiễm COVID-19 nên chị càng hoảng loạn và có ý định tự tử. BS Vinh kể: “Khi địa phương liên hệ với BV để đưa đến đây chữa trị, chị Đ từ chối ăn uống cũng như chữa bệnh. Để chị hợp tác, chúng tôi đã phải động viên chị nghĩ về chồng và đứa con mới chào đời. Sau nhiều ngày, chị Đ dần ổn định trở lại, bắt đầu uống sữa và chấp nhận điều trị”.
Theo BS Trần Trọng Tuấn, không chỉ bệnh nhân tâm thần mà người bình thường đi nuôi bệnh cũng gặp phải những vấn đề về tâm lý. Đơn cử một trường hợp tại BV, đến ngày thứ 10 điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng hơn, người nhà đi theo nuôi bệnh rơi vào tình trạng kiệt sức và cảm thấy vô cùng căng thẳng. Các BS đánh giá người này đã bị stress cấp khi thường xuyên chửi bới bệnh nhân bằng những lời lẽ tiêu cực và tuyệt vọng. Thậm chí trong một cuộc gọi về nhà trao đổi về chuyện tiền bạc đã khiến người này gặp áp lực, la lối suốt 1 giờ và đập phá đồ đạc.
“Những lúc đó chúng tôi đã lắng nghe được tâm sự của họ và động viên, giúp họ bình tĩnh lại. Vài ngày sau bệnh nhân trở nặng, phải chuyển lên BV tuyến trên. Đến lúc này, người nuôi bệnh dù buồn nhưng cũng cảm thấy bớt áp lực hơn vì mình được về nhà” - BS Tuấn kể.
Các bác sĩ tại BV điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân. Ảnh: KHÁNH CHI
Năn nỉ bệnh nhân cho… chữa bệnh
Các BS trực tiếp tham gia điều trị tại BV đều cho rằng khó khăn nhất trong điều trị cho những bệnh nhân tâm thần là bệnh nhân không làm chủ được hành vi, không tuân thủ kỷ luật. Nhiều người không quan tâm đến sự sống, họ rút ống thở ôxy, ống truyền dịch hoặc rơi vào trầm cảm loạn thần, chán nản, buồn phiền, không muốn ăn uống… Do vậy, họ dễ chuyển nặng vì không có sức chống chọi với bệnh tật.
Để “xử lý” các bệnh nhân này, các BS phải thường xuyên theo dõi, cố định dây truyền tĩnh mạch, đồng thời động viên, thậm chí năn nỉ, nhiều khi… hù dọa họ mới hợp tác. “Nguy hiểm nhất là các bệnh nhân không kiểm soát được hành vi, tự làm tổn thương chính mình, xé rách đồ bảo hộ của BS. Chúng tôi luôn cẩn thận hết mức, do vậy chưa có nhân viên y tế nào bị lây bệnh trong BV” - BS Hiển cho hay.
Còn theo BS Vinh, khó khăn lớn nữa trong điều trị cho những bệnh nhân có vấn đề tâm lý là thời gian điều trị tâm thần quá ngắn so với thời gian COVID-19 diễn tiến nặng. Các BS khó phát hiện được những dấu hiệu nặng của bệnh nhân vì họ không diễn đạt được triệu chứng, do đó BS phải thường xuyên theo dõi để biết bệnh nhân đã bước vào giai đoạn nào để dùng thuốc kịp thời. Điều quan trọng tiếp theo là phải đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân, họ khó hợp tác thì phải động viên, không muốn ăn thì phải ép ăn, uống sữa, truyền dịch…
Ngoài trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BV điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân còn tham gia hội chẩn với các BV dã chiến, thu dung khác có bệnh nhân mắc COVID-19 bị rối loạn tâm thần. Với những ca chưa có biểu hiện tâm thần nặng, BV sẽ hướng dẫn, cấp thuốc, các trường hợp nặng hơn BV sẽ đón về điều trị.
112 bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện Ngày 14-7-2021, Sở Y tế TP.HCM quyết định chuyển đổi một phần công năng của BV Tâm thần TP.HCM Cơ sở 2 (F4/12 tỉnh lộ 10, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) thành BV chuyên điều trị COVID-19 cho người bệnh tâm thần mắc COVID-19, lấy tên là BV điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân. Đây là BV tầng 2 nên khi có ca trở nặng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị COVID-19 trước, sau khi ổn định mới chuyển về lại BV để điều trị tâm thần. Đến đầu tháng 10, BV đã tiếp nhận 211 bệnh nhân mắc COVID-19 có các vấn đề về tâm lý như trầm cảm nặng, có dấu hiệu trầm cảm, tâm thần, gây rối… từ các BV, trạm y tế tại TP.HCM chuyển tới. Hiện đã có 112 bệnh nhân được xuất viện, tinh thần ổn định. |