vĐồng tin tức tài chính 365

Án Tây-Luật Ta: Cụ bà U80 bị bắt vì nghi cướp ngân hàng lần thứ ba

2023-05-07 07:29

Án Tây:

Một cụ bà ở Missouri (Mỹ) với 2 tiền án cướp ngân hàng mới đây đã bị cảnh sát bắt giữ vì vụ cướp thứ ba.

Ngày 5/4, các sĩ quan cảnh sát đã chặn xe của bà Bonnie Gooch (78 tuổi) gần Ngân hàng Tài chính Goppert ở Pleasant Hill (bang Missouri) sau khi chiếc xe này được cho là có liên quan đến vụ cướp ngân hàng nói trên.

“Rõ ràng đó là một tình huống căng thẳng”, cảnh sát trưởng Pleasant Hill - Thomas Wright nói. “Nhưng khi bàn tay một phụ nữ lớn tuổi chìa ra, và đó là người lái chiếc xe bị tình nghi, thì chúng tôi hơi sốc.”

Một số bằng chứng trong xe cũng cho thấy bà Bonnie có liên quan đến vụ cướp. Cụ bà lập tức bị bắt giam.

Chính quyền địa phương xác nhận rằng bà Bonnie đã thực hiện 2 vụ cướp ngân hàng trước đó vào năm 2020 (khi bà 75 tuổi) và năm 1977 (ở độ tuổi 32). Con trai của Bonnie cho biết bà từng rời khỏi nhà “tức giận và nói rằng bà sẽ cướp ngân hàng”, trước khi thực hiện vụ cướp năm 2020.

Trong vụ cướp gần nhất, tên cướp đã đưa ra tờ giấy viết: “13.000 tờ tiền mệnh giá nhỏ”, với một lời xin lỗi có nội dung: “Cảm ơn. Xin lỗi, tôi không muốn làm các bạn sợ.”

Bà Bonnie bị cáo buộc tội cướp bóc, với số tiền bảo lãnh là 25.000 đô la.

Pháp luật - Án Tây-Luật Ta: Cụ bà U80 bị bắt vì nghi cướp ngân hàng lần thứ ba

Bà Bonnie Gooch. (Ảnh: New York Post)

Luật Ta:

Hành vi cướp ngân hàng sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?

Thời gian qua ở thế giới và cả Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng. Một số đối tượng gây án vì không có việc làm,  túng quẫn nên đã làm liều đi cướp tài sản. Nhưng phần lớn các đối tượng có hành vi cướp tài sản nói chung và cướp ngân hàng nói riêng đều thuộc thành phần “ham chơi, nhác làm”.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam thì chưa có quy định về tội cướp ngân hàng, nhưng dựa vào các yếu tố cấu thành thì tội cướp ngân hàng có thể xếp vào tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Như vậy nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) nước CHXHCN Việt Nam, cụ bà Bonnie Gooch (78 tuổi) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 168 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Như vậy, khi thực hiện hành vi cướp tài sản tại ngân hàng, với 2 tiền án cướp ngân hàng trước đó, cụ bà 78 tuổi có thể đối mặt với hình phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh khung hình phạt chính còn có khung hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khi phạm tội, cụ bà đã 78 tuổi. Do đó, hình phạt dành cho cụ bà cũng phải tuân theo những quy định cụ thể áp dụng đối với người cao tuổi phạm tội.

Người cao tuổi trong pháp luật Việt Nam (quy định tại Luật Người cao tuổi 2009) là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Trong khi đó, BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) lại không quy định cụ thể như thế nào là người cao tuổi mà chỉ đề cập các trường hợp người "già yếu", "người từ đủ 70 trở lên", "người từ đủ 75 tuổi trở lên" trong các quy định xử lý trách nhiệm của người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị hại.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người cao tuổi, pháp luật Việt Nam quy định cụ thể: Theo điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Được tha tù trước thời hạn có điều kiện: Theo điểm e khoản 1 Điều 66 BLHS quy định trường hợp người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên được tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau: Thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. (Trừ các trường hợp tại khoản 2 Điều 66 BLHS).

Luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 trở lên: Theo khoản 2, 3 Điều 40 BLHS, không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên.

Về tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự: Người đủ 70 tuổi trở lên là ông, bà, cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS (Điều 18 BLHS); Người đủ 70 tuổi trở lên là ông, bà, cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của BLHS hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 19 BLHS).

Đối tượng “người già yếu” theo BLHS 2015 sử dụng thuật ngữ “người già yếu” tại rất nhiều điều, khoản. Đơn cử như: Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu (khoản 4 Điều 36 BLHS); Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm về tội danh hành hạ người khác đối với người già yếu (điểm a khoản 2 Điều 140 BLHS); Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm về tội danh cướp giật tài sản đối với người già yếu (điểm g khoản 2 Điều 107 BLHS);…

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người đủ 70 tuổi trở lên được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được tha tù trước thời hạn có điều kiện,... và không bị áp dụng hình phạt tử hình với người đủ 75 tuổi trở lên.

Ánh Dương (Thực hiện)

Xem thêm: lmth.464606a-ab-uht-nal-gnah-nagn-pouc-ihgn-iv-tab-ib-08u-ab-uc-at-taul-yat-na/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Án Tây-Luật Ta: Cụ bà U80 bị bắt vì nghi cướp ngân hàng lần thứ ba”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools