Bố trí quầy kệ riêng, miễn giảm chiết khấu
Thời gian gần đây, khi đến các trung tâm thương mại Takashimaya, Diamond, Aeon (TPHCM), người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP như hạt sen sấy, sô cô la bọc hạt sen, mật ong, mật dừa nước, sữa hạt sen, trái cây sấy dẻo, bánh dừa nướng....
Nhiều khách hàng lần đầu biết đến các sản phẩm này nên đã mua dùng thử. Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm OCOP, việc hợp tác với các siêu thị, trung tâm thương mại giúp các sản phẩm này dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn. Theo đó, những sản phẩm này sẽ được miễn, giảm mạnh phí mặt bằng nhưng doanh thu từ sản phẩm sẽ được chia cho 2 bên.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng chuộng mua sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương trong siêu thị, trung tâm thương mại (ảnh chụp tại Gigamall, TP Thủ Đức) - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Ông Lương Việt Chương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế Đất Phú - cho biết, khi đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp nhỏ thường chịu tình trạng “càng bán càng lỗ” do chi phí mặt bằng, chiết khấu cao. Hiện nay, một số siêu thị, trung tâm thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá tốt, như không thu phí thuê mặt bằng, chỉ lấy hoa hồng trên doanh thu. Các doanh nghiệp nhỏ mong có nhiều đơn vị áp dụng chính sách này để giúp họ đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mật dừa nước ở TPHCM cho biết, với diện tích mặt bằng 15m2, một số siêu thị, trung tâm thương mại chỉ thu phí 10 triệu đồng/tháng và lấy 10% doanh thu, kèm điều kiện doanh thu phải đạt từ 50 triệu đồng/tháng trở lên thay vì buộc doanh nghiệp phải trả tiền thuê mặt bằng 150 USD/m2/tháng và đặt cọc 5 tháng như trước. Một số đơn vị khác không thu tiền thuê mặt bằng nhưng lấy 20% doanh thu, hoặc lấy 22% doanh thu cộng phí quản lý 15 USD/m2/tháng kèm điều kiện doanh thu phải đạt từ 100 triệu đồng trở lên/tháng. Đây là mức an toàn hơn so với việc phải đóng tiền thuê mặt bằng khi chưa đánh giá được sức bán.
Ông Phạm Nguyễn Thái Huy - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam - cho biết, siêu thị Gigamall áp dụng chính sách linh động cho các doanh nghiệp, trong đó có hình thức chia sẻ doanh thu, không lấy tiền thuê mặt bằng, đặc biệt là với các đối tác kinh doanh đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.
Theo ông, Gigamall đưa các đặc sản vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm có chứng nhận OCOP vào nhóm bình ổn thị trường. Hiện, nhóm hàng này chiếm từ 60 - 70% trong mỗi khu vực kinh doanh của Gigamall Market. Ngày càng có nhiều khách hàng tìm mua đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, doanh số nhóm hàng này khá tốt. Siêu thị đang tiếp tục làm việc với gần 50 doanh nghiệp Việt Nam có các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP để mở rộng danh mục nhóm sản phẩm này.
“Siêu thị liên tục tổ chức những chuỗi hội chợ nông đặc sản và hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP đưa hàng vào siêu thị, như bố trí quầy kệ riêng, có nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm với khách hàng, giảm chiết khấu, chia sẻ doanh thu, không thu phí mặt bằng” - ông Thái Huy nói.
Một số trung tâm thương mại, siêu thị không thu phí mặt bằng đối với gian hàng giới thiệu, bán đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP (ảnh chụp tại trung tâm thương mại Takashimaya) - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Hệ thống GO!Big C cũng dành khu vực riêng để bày bán hơn 100 sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. Đại diện đơn vị này cho biết, ngoài bố trí quầy kệ riêng, siêu thị còn giảm chiết khấu cho doanh nghiệp đưa nhóm hàng này vào siêu thị, thậm chí miễn chiết khấu trong thời gian đầu cho các doanh nghiệp nhỏ, mới.
Kết nối sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết, phần lớn sản phẩm OCOP được sản xuất với quy mô nhỏ. Saigon Co.op đang gộp những sản phẩm OCOP nhỏ lẻ lại để cung ứng cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội, địa phương, bộ ngành, liên minh hợp tác xã ở các địa phương để gom những sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng cung ứng”.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - cho biết, các hệ thống bán lẻ có chính sách riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm OCOP. Sở đã làm việc với một số đơn vị và đề nghị họ tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ, có không gian riêng trưng bày các sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Phần lớn các đơn vị bán lẻ đều sẵn sàng hỗ trợ quầy kệ trưng bày sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của TPHCM hiện chưa nhiều (khoảng hơn 60 sản phẩm) và ở nhiều nhóm sản phẩm khác nhau (như rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm khô, thực phẩm tươi, hàng chế biến) nên khó trưng bày tập trung ở cùng một vị trí.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, để giải quyết vấn đề trên, sở đang xúc tiến làm việc với các tỉnh, thành để cùng hợp tác giới thiệu sản phẩm OCOP, từ đó đa dạng hóa sản phẩm OCOP để đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn, có khu vực trưng bày riêng. Sở cũng xúc tiến để các sản phẩm OCOP có mặt ở các nhà hàng, khách sạn, hội chợ du lịch để ngày càng nhiều người biết đến hơn.
“Sở tạo mọi điều kiện cho các chủ thể OCOP ở các tỉnh, thành, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, sản phẩm của TPHCM hay các tỉnh. Ngoài đề án OCOP của UBND TPHCM, sở đang đẩy mạnh việc kết hợp sản phẩm OCOP với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Chương trình xúc tiến thương mại được triển khai cho cả sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, đồng thời trong các hội chợ kết nối du lịch, sở cũng hướng dẫn du khách đến địa phương nào thì mua sản phẩm OCOP của địa phương đó” - ông Đinh Minh Hiệp nói.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.2890941a-iam-gnouht-mat-gnurt-iht-ueis-oav-ax-pac-nas-gnon/nv.moc.enilnounuhp.www