Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kinh khủng lên tới 38-39 độ C, những VĐV marathon (42,195km), đi bộ (20km) đã bước vào tranh tài trên đường chạy bên ngoài đền thờ Angkor Wat, thành phố Siem Reap.
Huy chương của mồ hôi, nước mắt
Marathon là nội dung đầu tiên của điền kinh bước vào tranh tài. Đội tuyển marathon Việt Nam có 4 VĐV dự thi là: Hoàng Nguyên Thanh, Trịnh Quốc Lượng (nam), Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Ninh (nữ). Tại SEA Games 31, Hoàng Nguyên Thanh từng giành được 1 HCV. Mục tiêu của marathon Việt Nam tại SEA Games 32 là giành tối thiểu 1 HCV.
Trên đường chạy sáng 6-5, các VĐV đã nỗ lực ngay sau khi rời vạch xuất phát dù 6h sáng mặt trời đã nắng chói chang. Nhiệt độ mặt đường mỗi lúc một tăng cao, nắng xiên cháy da thịt các VĐV, khiến họ mất nước, cơ thể kiệt quệ, đuối sức. VĐV chủ nhà Campuchia mới nhập tịch từ Trung Quốc là Yang Piseth - ứng viên nặng ký cho chức vô địch - đã bỏ cuộc ngay sau 10km đầu tiên.
Nhưng vượt qua bản thân mình, sự khốc liệt của thời tiết, Lê Thị Tuyết, Hoàng Nguyên Thanh vẫn bám đuổi đối thủ quyết liệt. Thậm chí nhiều thời điểm Lê Thị Tuyết - cô gái chỉ cao 1,45m và cân nặng 37kg - đã vượt lên dẫn đầu nội dung marathon nữ.
Kết thúc cuộc đua, Tuyết giành được HCB quý giá trong lần đầu tham dự SEA Games với thời gian 2 giờ 49 phút 21 giây. Còn Hoàng Nguyên Thanh giành được HCĐ với thời gian 2 giờ 35 phút 49 giây.
Không bảo vệ được HCV, Thanh rất buồn nhưng anh cho biết đã nỗ lực đến phút cuối cùng trên đường đua. Huy chương của Lê Thị Tuyết, Hoàng Nguyên Thanh chẳng phải vàng nhưng nó vẫn lấp lánh trong mắt người hâm mộ.
Ở đó có sự khổ luyện, ý chí bền bỉ, tinh thần thi đấu đến cùng của VĐV. Mỗi huy chương vì thế là mồ hôi, công sức và cả nước mắt mặn mòi.
Nỗ lực tuyệt vời của Nguyễn Thị Ninh
Đây là lần đầu tiên cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Ninh tham gia đấu trường SEA Games. Không được kỳ vọng giành thành tích cao ở nội dung marathon, Ninh chỉ đặt mục tiêu vượt qua chính mình.
Sau những vòng đấu đầu tiên, Ninh tỏ ra đuối sức, bước chạy lảo đảo. Càng về đến những km cuối, nắng càng gay gắt thiêu cháy da thịt và cản bước chân của Ninh trên đường về đích. Nhìn dáng chạy của cô, nhiều người nghĩ Ninh sẽ bỏ cuộc.
Thực tế đã có 3 VĐV nam marathon không thể cán đích trong ngày 6-5 vì nắng nóng khiến họ sốc nhiệt. Do đó, sẽ là chuyện bình thường nếu Ninh bỏ cuộc.
Nhưng bằng một nghị lực phi thường, Ninh đã không bỏ cuộc. Cô chạy đến những mét cuối cùng và cán đích thành công với thời gian 3 giờ 36 phút 44 giây, xếp thứ 8/9 VĐV marathon nữ.
Ngay sau khi cán đích, Ninh đã ngất xỉu và cần sự trợ giúp của y tế. Cô bị sốc nhiệt, mất nước, hạ điện giải và kiệt sức hoàn toàn. Các bác sĩ đã cho Ninh uống nước mát, chườm đá liên tục và bù điện giải để cô có thể tỉnh táo trở lại.
Thể thao không chỉ có những tấm huy chương. Dù không giành huy chương nhưng ý chí, nghị lực và tinh thần thi đấu đến cùng của Nguyễn Thị Ninh khiến những người hâm mộ thể thao xúc động.
Khi thần tượng là người truyền lửa
Trên bục trao huy chương vàng dành cho 3 VĐV karate nữ Việt Nam (nội dung kata nữ đồng đội), xuất hiện một gương mặt quen thuộc: "nữ hoàng kata" Nguyễn Hoàng Ngân.
SEA Games là cơ hội để tìm ra những tài năng trẻ và cũng là nơi để tìm lại những thần tượng ngày nào. Cả hai trường hợp này đều đúng với chiếc HCV chính thức đầu tiên mà karate mang về cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 (cờ ốc đoạt HCV sớm 1 vòng, do chưa trao nên chưa được ban tổ chức cập nhật).
Nguyễn Thị Phương, Lưu Thị Thu Uyên và Nguyễn Ngọc Trâm là ba cô gái đã thi đấu xuất sắc nội dung kata đồng đội. Và phía sau họ là người HLV và cũng giống như một người chị thân thiết.
"Vì cô Ngân, tôi mới theo đường VĐV karate ấy ạ! Tôi còn nhớ khi cô Ngân đoạt danh hiệu vô địch thế giới (năm 2008), tôi chỉ mới học tiểu học. Cô Ngân vừa giỏi giang lại xinh đẹp nên là thần tượng của chúng tôi khi đó. Sau này khi lên đội tuyển, được chính cô Ngân huấn luyện tôi cảm thấy cứ như mơ vậy", Nguyễn Thị Phương chia sẻ cảm xúc về người HLV thân thiết của mình.
Để hình dung sức ảnh hưởng mà ngôi sao Nguyễn Hoàng Ngân tạo ra cho học trò, hãy nhìn vào... đầu tóc của cả đội. Cả Phương, Uyên và Trâm đều hớt một kiểu tóc tém gần tương tự như Ngân. Vừa tiện lợi cho thể thao lại vừa rất duyên dáng, không kém phần nữ tính.
Có tài năng và danh tiếng nhưng con đường đến với nghiệp HLV của Hoàng Ngân không hề dễ dàng. Năm 2015, chị giải nghệ ở tuổi 31, sau nhiều năm trời bị chấn thương hành hạ. Song song đó, Ngân cũng hoàn tất việc học tại Nhật Bản và quyết định trở về Việt Nam để cống hiến cho nước nhà.
"Danh tiếng là lợi thế và cũng là sức ép. Tôi không muốn đóng khung học trò trong phong cách của mình. Làm thế nào để có một Hoàng Ngân mới là điều tôi thường được hỏi, và không dễ dàng chút nào. Tôi vẫn thường nói với các em rằng điều giá trị nhất mà tôi truyền cho các em là đam mê, là ngọn lửa với karate. Với tư cách thế hệ đi trước, tôi muốn chỉ vẽ cho các em một số điều nên tránh trên con đường VĐV. Còn về kỹ thuật, cả cô và trò đều cùng phải phấn đấu như nhau", Hoàng Ngân nói.
Với mái tóc tém cá tính, khuôn mặt ưa nhìn và vẻ ngoài vẫn trẻ trung, phong độ như ngày nào, Hoàng Ngân giờ đây khoác trên mình chiếc áo vest lịch lãm của HLV. Dưới sự dẫn dắt của chị, những cô học trò trẻ trong đội karate Việt Nam miệt mài tập luyện với giấc mơ sẽ có một ngày sánh ngang "nữ hoàng kata".
HUY ĐĂNG
Dù chỉ còn chút sức lực nhưng Nguyễn Thị Ninh đã nỗ lực đến cùng để cán đích thi marathon tại SEA Games 32. Sau khi cán đích, Ninh sốc nhiệt và ngất xỉu.
Xem thêm: mth.46415619070503202-mat-teyuq-ihc-y-auc-gnouhc-yuh/nv.ertiout