Ngày 6-5, sau 64 năm ở ngôi thái tử (điều khiến ông còn được gọi là "người chờ đợi vương miện lâu nhất thế giới"), ông Charles đã được trao chiếc vương miện quý giá của hoàng gia trong lễ đăng quang, chính thức trở thành người đứng đầu Vương quốc Anh và 14 quốc gia khác.
Lợi thế kinh nghiệm
Là con trai trưởng của Nữ hoàng Elizabeth, ông Charles được phong thái tử vào năm 1958 khi mới 10 tuổi. Tuy nhiên phải đến năm 1969, khi bước qua tuổi 20, lễ tấn phong chính thức cho ông mới được tổ chức.
Trong 65 năm làm thái tử, ông Charles đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đối với nước Anh và thế giới. Thực tế mà ông phải đối diện là Anh không còn là một đế chế toàn cầu như thời của mẹ hay ông ngoại.
Nhiều quốc gia khác đã vươn lên, đẩy Anh ra khỏi tốp 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung cũng thay đổi thái độ, không còn xem người đứng đầu chế độ quân chủ Anh là nguyên thủ quốc gia của họ nữa.
Tuy nhiên, với tính cách cởi mở và có phần khác với truyền thống hoàng gia, Thái tử Charles đã vượt ra được cái bóng quá lớn của mẹ.
Trở thành người đứng đầu chế độ quân chủ Anh ở tuổi 74, Vua Charles III được đánh giá là có nhiều thời gian "học việc" hơn mẹ ông - Nữ hoàng Elizabeth II, người đã lên ngôi ở tuổi 26.
Sự kỳ vọng của người Anh vào vị vua mới được thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận khi tỉ lệ ủng hộ ông đã tăng lên kể từ khi ông được tấn phong năm ngoái.
Một cuộc khảo sát của YouGov vào giữa tháng 4 vừa qua cho thấy có 55% người ủng hộ Vua Charles III, với 97% trong đó nói rằng họ đã nghe nhắc nhiều đến ông.
Thách thức với tân vương
Cuộc khảo sát của YouGov cũng chỉ ra một thực tế mà Vua Charles III và Hoàng gia Anh phải tính đến. Đó là mức độ phổ biến của chế độ quân chủ Anh với những người ra đời từ năm 1990 trở lại đây chỉ chưa đến 50%.
Bộ máy giúp việc cho tân vương tại Điện Buckingham đã nỗ lực hết sức để truyền đi thông điệp: Vua Charles III đã và sẽ có nhiều đóng góp cho đất nước trên cương vị mới. Lễ đăng quang được tổ chức giản dị hơn trước, làm nổi bật sự hiện đại và phù hợp với thời buổi lạm phát.
Là người sáng lập của gần 20 tổ chức từ thiện, đồng thời là người bảo trợ, chủ tịch của hơn 400 tổ chức khác nhau, Thái tử Charles trước đây đã giúp gây quỹ được hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm cho các hoạt động có ảnh hưởng tốt tới cộng đồng.
Vị vua mới cũng không chờ đến lễ đăng quang hôm qua để thể hiện vai trò mới mà đã làm điều ấy ngay trong sáu tháng đầu tiên sau khi được tấn phong.
Ở trong nước, ông gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo trên toàn vương quốc, cải tổ các dinh thự hoàng gia. Vị tân vương đã xuất hiện trong những hình ảnh gần gũi khi cùng ngồi trên sàn với các giáo sĩ và tín đồ đạo Sikh ở phía bắc London vào tháng 12-2022.
Ở ngoài nước, ông có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Đức, và ở đó ông đã gây ngạc nhiên với khả năng nói lưu loát và liên tục chuyển giữa tiếng Anh với tiếng Đức khi phát biểu trước Quốc hội Đức.
Cũng trong chuyến thăm Đức, Vua Charles III đã ngầm thừa nhận thách thức lớn nhất của ông trong vai trò mới bằng câu nói đùa. Ông nói ông hy vọng mình và Hoàng hậu Camilla sẽ "sống đủ lâu" để quay lại nhìn cây non mà họ vừa trồng lớn lên như thế nào.
Đó có lẽ là một trong những lý do khiến vị tân vương 74 tuổi đang làm nhiều hơn và nhanh hơn để tạo nên dấu ấn của mình. "Ông ấy đang trở thành một vị vua thực thụ nhanh hơn mọi người nghĩ", nhà sử học Robert Lacey bình luận với AP.
Vua Charles III cảm kích tình cảm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 5-5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp với Vua Charles III. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước đã nhiệt liệt chúc mừng Nhà vua, Hoàng hậu cùng Hoàng gia và nhân dân Anh.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng dưới sự trị vì của Nhà vua, Anh sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng.
Ông cũng mong muốn Nhà vua và Hoàng gia Anh tiếp tục tích cực ủng hộ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới.
Nhân dịp này, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã trân trọng mời Vua Charles III thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Vua Charles III bày tỏ cảm kích trước tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với ông và Hoàng gia.
Vua Charles III cũng khẳng định Hoàng gia Anh và cá nhân ông luôn quan tâm, ủng hộ công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp gỡ, tiếp xúc gần 20 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế cũng đến dự lễ đăng quang của Vua Charles III. Trong đó có lãnh đạo của các nước có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Úc...
Lễ đăng quang lịch sử
Lễ đăng quang của Vua Charles III đã diễn ra trang trọng trong khoảng hai giờ tại Tu viện Westminster ở thủ đô London, Vương quốc Anh ngày 6-5.
Tham dự buổi lễ có đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới và nhiều người nổi tiếng. Lần đầu tiên sau 70 năm, một vị vua mới của nước Anh chính thức lên ngôi.
Theo Hãng tin Reuters, trong khoảnh khắc lịch sử, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby - nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh - đã đội vương miện thánh Edward cho Vua Charles III khi ông ngự trên ngai vàng tại Tu viện Westminster. Đây là nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ.
Vua Charles III được xức dầu thánh và tiếp nhận các bảo vật hoàng gia (trượng, đinh thúc ngựa, áo choàng, quả cầu quốc chủ...). "Chúa phù hộ Vua Charles. Vua Charles vạn tuế" - những người có mặt tại tu viện hô vang.
Sau đó Tổng giám mục Welby tiếp tục thực hiện nghi thức trao vương miện hoàng hậu Mary cùng các bảo vật hoàng gia cho Hoàng hậu Camilla.
Lễ đăng quang kết thúc lúc 13h cùng ngày theo giờ địa phương (19h theo giờ Việt Nam). Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã gửi lời chúc tới Vua Charles III nhân dịp ông đăng quang.
BÌNH AN
Vua Charles III bày tỏ cảm kích trước tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Việt Nam khi gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Xem thêm: mth.49585829070503202-iii-selrahc-auv-ut-iom-oig-nal-ohc-hna-coun/nv.ertiout