Ở bang Bihar, bang nghèo nhất tại Ấn Độ, có khoảng 127 triệu người dân đang sinh sống. Những người phụ nữ ở đây có một áp lực nặng nề - phải sinh bằng được con trai. Do đó, người dân phải hứng chịu vòng luẩn quẩn gia đình nghèo đói - sinh nhiều con - lại càng thêm khó khăn.
Lấy chồng từ năm 14 tuổi, đến nay chị Jaimala Devi đã là bà mẹ 7 con. Chị mang thai hết lần này đến lần khác bởi chồng chị nhất quyết yêu cầu trong nhà phải có ít nhất 2 đứa con trai.
Chị Jaimala Devi, ở bang Bihar, nói: "Khi kết hôn, tôi nghĩ có một hoặc hai con là tốt rồi. Nhưng ban đầu chúng tôi chỉ sinh toàn con gái. Rõ ràng đó là một vấn đề với chúng tôi, thế nên cứ phải tiếp tục".
(Ảnh: Picxy)
Chị Devi cùng 5 cô con gái và 2 cậu con trai sống trong một căn nhà xiêu vẹo, tường không trát vữa và chẳng có đồ đạc gì có giá trị. Chồng chị bán hàng rong ở thủ đô New Delhi, vắng nhà gần như cả năm và chỉ gửi về số tiền kiếm được ít ỏi. Khó khăn như vậy cũng bởi quan niệm sinh con trai đồng nghĩa với sự tôn trọng, niềm tự hào của gia đình và người mẹ.
Ngược lại, con gái thường bị coi là nặng nề và tốn kém do truyền thống của hồi môn đám cưới do cha mẹ cô dâu chi trả. Chính vì vậy, nhân khẩu gia đình chị cứ tăng dần theo thời gian cùng với gánh nặng sinh hoạt chồng chất theo năm tháng.
Các nhân viên y tế tại bang Bihar cho biết, nhiều phụ nữ ở đây không được chọn số con mà họ có. Ngay cả khi một người phụ nữ muốn kế hoạch hóa gia đình, nhà chồng hoặc người chồng cũng không ủng hộ quan điểm của vợ nếu chưa đạt được mục tiêu có con trai. Hiện chính quyền bang Bihar đang hỗ trợ tiền mặt để giúp các bé gái hoàn tất chương trình học, cũng như khuyến khích phụ nữ lập gia đình muộn hơn và sinh ít con hơn.
Xem thêm: nhc.596109580705032881-od-na-un-uhp-auc-noc-ueihn-hnis-iahp-cul-pa/nv.fefac