Năm 2019, trong chuyến công tác tại Campuchia, tôi đã đến thăm quảng trường Cùng Thắng (Win - Win) tại thủ đô Phnom Penh, khánh thành vào tháng 12-2018 nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc chiến tranh và thực hiện thành công chính sách Cùng thắng của Nhà nước Campuchia (từ năm 1998).
Trung tâm quảng trường là tượng đài thanh thoát cao vút, các hình tượng điêu khắc ở đây phản ánh những giai đoạn lịch sử của đất nước Campuchia theo phong cách nghệ thuật thời kỳ Angkor.
Những nhóm tượng khác rải rác khắp quảng trường theo phong cách tả thực thể hiện tinh thần hướng đến hòa bình của một đất nước đã chấm dứt nội chiến được 20 năm.
Từ tượng đài này lan tỏa một thông điệp đầy tính nhân văn: Quá khứ không bị quên lãng nhưng được nhắc nhớ sao cho vết thương được hàn gắn, tương lai tốt đẹp hơn chứ không phải để lòng người mãi đau đớn và chia cắt.
Chính sách Cùng thắng của Campuchia tôi cũng vừa được nghe lại tại lễ khai mạc SEA Games 32 tối 5-5. Lễ khai mạc thực sự mang lại cho tôi nhiều bất ngờ. Bất ngờ từ cảnh quan kiến trúc và cơ sở vật chất của sân vận động chính ở thủ đô Phnom Penh đến những phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại sử dụng trong buổi lễ.
Bất ngờ từ nội dung kịch bản đậm nét truyền thống, giàu cảm xúc mà vẫn tươi sáng sắc màu của tương lai, quy mô buổi lễ hoành tráng...
Đặc biệt, chính sách Cùng thắng của Chính phủ Campuchia đã được nhắc lại trong buổi lễ như một trong những điều kiện xuyên suốt và sức mạnh tinh thần quan trọng nhất dẫn đến sự ổn định và phát triển của quốc gia này trong mấy chục năm qua.
Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, là điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Một cách hiểu đơn giản và phổ biến, "Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh". Có nghĩa là chiến tranh để lại hậu quả trái ngược với hòa bình: những tội ác khủng khiếp như diệt chủng, những thành tựu văn minh của loài người bị tàn phá...
Chiến tranh còn để lại hậu quả lâu dài và không dễ nhận thức, đó là hủy diệt niềm tin, xóa bỏ lòng trắc ẩn và khoan dung giữa con người, làm đảo lộn các giá trị sống của nhân loại nói chung và từng quốc gia nói riêng. Từ lịch sử đau thương của mình, Việt Nam cũng là đất nước hiểu rõ về chiến tranh và luôn có ước vọng hòa bình.
Nếu coi hòa bình là mục đích cao cả nhất, là ước mơ và quyền lợi của mỗi người, thì khi tiếng súng đã chấm dứt, hòa bình chính là sự quý trọng và bình đẳng về mọi mặt giữa những người cùng trong một nước.
Sau chiến tranh, nếu chỉ một mình phát triển thôi chưa đủ, con đường đi tới luôn cần sự đi cùng của mọi thành phần, trong và ngoài nước. Sự hòa hợp, hòa hiếu, hợp tác trong nước và ngoài nước sẽ mang lại kết quả lớn.
Chỉ có nền hòa bình như thế mới mang lại an lạc cho nhân dân, mang lại sức mạnh cho đất nước phát triển bằng người. Campuchia đã nhận rõ điều đó nên mới sớm đặt ra chính sách Cùng thắng.
Hòa bình cũng là tinh thần chủ đạo của SEA Games 32 cũng như các SEA Games khác, đều mong mỏi hướng đến một Đông Nam Á đoàn kết và cùng phát triển. Thể thao giúp con người cố gắng và rèn luyện vượt qua những giới hạn của bản thân, nhằm đạt được mục đích nhất định.
Chiến thắng bản thân là chiến thắng quan trọng, song tinh thần Cùng thắng sẽ mang lại thành công tốt đẹp và tình hữu nghị cho những cuộc thi đấu thể thao. Và chính tình thần Cùng thắng cũng sẽ mang lại hòa bình, hòa hợp, thịnh vượng lâu dài cho Đông Nam Á nói chung và từng quốc gia nói riêng.
Kẹt xe là một trong những nỗi lo lớn của SEA Games 32 khi diễn ra tại Phnom Penh. Nhưng sự quyết đoán của chủ nhà đã giải quyết được bài toán này.
Xem thêm: mth.67494801170503202-gnaht-gnuc-naht-hnit/nv.ertiout