Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không. Đây là quan điểm của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu trong văn bản gửi đến Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và một số cơ quan liên quan.
Cục Quản lý giá có phản hồi nêu trên bởi trong quá trình xây dựng Luật Giá (sửa đổi), đã nhận được ý kiến kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa với dịch vụ vận tải hàng không của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt.
Bộ Tài chính lên tiếng về bỏ trần giá vé máy bay (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hoàng Triều
Theo Cục Quản lý giá, Luật Hàng không dân dụng hiện hành quy định hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Do đó, cơ quan quản lý giá thuộc Bộ Tài chính đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa được đưa ra. Nhiều lý do đưa ra cho rằng, giá trần là "vòng kim cô" nên cần được tháo gỡ để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không. Ngược lại, không ít ý kiến lo ngại khi bỏ trần giá vé sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, có nguy cơ thao túng giá vé.
Thời gian qua, trong bối cảnh ngành du lịch đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thì giá vé nhiều chặng bay nội địa được cho là quá cao, dù không vượt trần nhưng khiến một bộ phận khách hàng khó tiếp cận.
Trước đó, Bộ GTVT dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành, từ quý II/2023. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.