Nhiệt độ máy lạnh không chênh lệch cao với ngoài trời
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến - khoa nội Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cần lưu ý kỹ khi sử dụng máy lạnh, điều hòa trong mùa nắng nóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sốc nhiệt.
Nhiều người có thói quen khi đi từ môi trường nắng nóng ngoài trời nhanh chóng di chuyển vào phòng có máy lạnh để tránh nóng. Tuy nhiên, vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt.
Điều này tương tự như việc bước ra ngoài trời nhiệt độ cao đột ngột trong khi đang trong phòng lạnh. Việc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt.
Để tránh tình trạng này, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời.
Nếu đi từ ngoài vào phòng lạnh, nên mở cửa phòng lạnh và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo không nên để nhiệt độ phòng lạnh chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời, có thể dẫn đến cảm lạnh, sốc nhiệt.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ so với môi trường bên ngoài.
"Mùa hè nhiều người không muốn bước ra khỏi phòng lạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu ngồi máy lạnh quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến da, dễ mắc các bệnh về hô hấp.
Bên cạnh đó, khi cơ thể quá quen với điều kiện nhiệt độ mát lạnh trong phòng, dần sẽ khiến cơ thể khó thích nghi hơn với thời tiết nắng nóng", bác sĩ Tiến cho hay.
Đồng thời, không để điều hòa hướng thẳng vào người, vị trí lắp đặt điều hòa cũng rất quan trọng, nhiều người lắp điều hòa và điều hướng gió thẳng vào người, đầu… để nhanh mát. Tuy nhiên, việc đưa gió lạnh trực tiếp vào cơ thể trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng…, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ.
Chỉnh máy lạnh cho trẻ ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Thái Dương - phòng khám nhi khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 - cho biết những ngày thời tiết bên ngoài quá nóng bức sẽ là dịp để các vi rút, vi khuẩn sinh sôi. Mầm bệnh sẽ phát tán vào không khí cộng với việc sử dụng máy lạnh không đúng cách sẽ gây ra các bệnh đường hô hấp, nhất là trẻ em.
Theo bác sĩ Dương, không cho trẻ từ môi trường quá nóng bước vào phòng lạnh ngay mà phải nghỉ ở phòng thường 10-15 phút rồi mới vào phòng lạnh và ngược lại, muốn từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng phải tắt máy lạnh và ở trong phòng từ 10-15 phút.
Vào ban đêm nên chỉnh máy lạnh 27 độ C cho trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi), 24 - 26 độ C cho trẻ lớn hơn hoặc khi gia đình có nhiều người ngủ chung.
"Việc nằm máy lạnh lâu có thể khiến trẻ mất nước làm da khô, tích điện và tiêu hao một phần năng lượng, để giữ ấm nên cho trẻ ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng. Đồng thời không để quạt gió máy lạnh thổi trực tiếp vào trẻ sẽ làm giảm hoạt động của biểu mô hô hấp, khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp hơn", bác sĩ Dương lưu ý.
Ngoài ra, cần vệ sinh phòng sạch sẽ để vi khuẩn và nấm mốc không có nơi cư ngụ sẽ giảm khả năng gây bệnh cho trẻ. Không hút thuốc lá, nấu ăn trong phòng máy lạnh. Vệ sinh máy lạnh định kỳ.
Điều chỉnh chế độ máy lạnh phù hợp với độ ẩm bên ngoài, khi bên ngoài ẩm nhiều thì bật chế độ dry, ẩm ít dùng chế độ cool.
TTO - Tuổi Trẻ Online vừa nhận được thư phản ánh của một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM về khoản thu 80.000 đồng/tháng/học sinh để 'thuê máy lạnh'.
Xem thêm: mth.92970644170503202-pah-oh-gnoud-hneb-cac-cam-ed-hcac-ias-hnal-yam-gnud-gnon-hnart/nv.ertiout