vĐồng tin tức tài chính 365

Tham nhũng 10 đồng, thu hồi chỉ được 3 đồng

2023-05-08 09:53
Tham nhũng 10 đồng, thu hồi chỉ được 3 đồng - Ảnh 1.

Vụ án AVG thu hồi được hơn 8.000 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong kiến nghị vừa gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Chính phủ...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng trong giai đoạn từ 2018 - 2021 và chín tháng đầu năm 2022, dù các cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng nhưng công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn nhiều hạn chế.

Xác định "đường đi" của tài sản tham nhũng

Kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng ghi nhận việc giải quyết, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản với án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Theo số liệu của C03, Bộ Công an, trong thời gian từ 2018 đến 1-11-2022, tổng số vụ án tham nhũng đã được khởi tố, điều tra, xét xử là 481 vụ án, số tài sản do các đối tượng giao nộp hoặc thu giữ của các đối tượng khoảng 730,2 tỉ đồng.

Đối với án kinh tế, tổng số vụ án là 1.035 vụ, tài sản do các đối tượng giao nộp hoặc thu giữ khoảng 3.369,6 tỉ đồng. Số tài sản tham nhũng được thu hồi sau khi xét xử các vụ án theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn thấp.

Nguyên nhân được cơ quan này chỉ ra là thể chế pháp luật liên quan tới thu hồi tài sản tham nhũng còn mang tính nguyên tắc, thiếu đồng bộ, thống nhất dẫn tới nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau tại các địa phương.

Đến nay, chưa có quy trình cụ thể để truy tìm tài sản, xác định "đường đi" của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc tài sản tham nhũng.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định biện pháp tịch thu tài sản của người bị kết án để nộp ngân sách nhà nước chỉ áp dụng với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tham nhũng.

Hơn nữa, hiện nay chưa có cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như luật đăng ký tài sản nên việc kê khai tài sản ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án.

Nên có website công khai tài sản quan chức

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Ngọc Ánh - phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng giám sát của nhân dân với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước tại nơi cư trú là cần thiết.

Đây là sự giám sát trực tiếp, mọi lúc, mọi nơi. Người dân sinh sống cùng khu dân cư với cán bộ, đảng viên sẽ giúp kịp thời phát hiện những biểu hiện, sinh hoạt có dấu hiệu bất thường.

Qua giám sát, phát hiện của nhân dân thì mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội sẽ có kiến nghị với cấp ủy, tổ chức để trực tiếp giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện nghi ngờ.

Qua giám sát ban đầu của người dân sống cùng khu dân cư với cán bộ, đảng viên thì sẽ có những hoạt động giám sát cụ thể, chuyên đề sâu hơn.

Về vấn đề công khai kê khai tài sản quan chức tại nơi cư trú của quan chức để nhân dân giám sát, ông Thang Văn Phúc - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - nêu quan điểm cần thay đổi quy định trong phòng chống tham nhũng.

Công khai, minh bạch là thứ chúng ta đang hướng tới nhưng có mức độ vì hệ thống pháp luật hiện chưa đồng bộ nên mới dừng ở mức công khai kê khai tài sản quan chức ở mức độ, phạm vi nào đó.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI, quan điểm chung thì những người thuộc đối tượng phải công khai, minh bạch tài sản phải thực sự thể hiện được sự trong sạch để mọi người biết.

Càng công khai tài sản càng tốt, ai không muốn công khai thì có thể từ chức.

Chuyện công khai tài sản người có chức vụ, quyền hạn càng dài, càng rõ ràng thì càng tốt, nên có một website để công bố công khai tài sản quan chức để mọi người dân quan tâm có thể tiếp cận.

Quan chức nên chấp nhận công khai tài sản trong thời kỳ còn đảm nhiệm chức vụ.

Sau khi công khai sẽ có hai dạng, đó là người có nhiều tài sản được công khai, người không có tài sản công khai.

Với những quan chức có tài sản thì sẽ chịu sự giám sát của người dân, còn trường hợp cán bộ có tài sản nhưng không kê khai, cố tình che giấu tài sản thì khi phát hiện có thể bị tịch thu.

Tất nhiên, theo ông Đức, việc kê khai tài sản cần có lộ trình từ 3 - 5 năm. Và nên coi việc kê khai tài sản này là bình thường, chỉ khi họ có liên quan tới tiêu cực thì mới điều tra, làm rõ.

Tham nhũng 10 đồng, thu hồi chỉ được 3 đồng - Ảnh 4.

Nguồn: Ban Nội chính Trung ương - Đồ họa: N.KH.

Không dễ kiểm soát đầu tư ra nước ngoài

Đối với vấn đề kiểm soát việc quan chức đầu tư ra nước ngoài, trong đó có mua bất động sản, theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với quy định pháp luật về đầu tư hiện nay thì có thể kiểm soát được nếu họ đầu tư qua con đường chính thống, có đăng ký dự án đầu tư và được cơ quan chức năng như Cục Đầu tư nước ngoài cấp phép.

Nhưng trong trường hợp họ đầu tư qua kênh thứ ba, đầu tư chui thì rất khó kiểm soát.

Ông Trương Thanh Đức cũng công nhận việc kiểm soát tài sản của quan chức ở nước ngoài rất khó. Vấn đề mấu chốt là quan chức đầu tư bất hợp pháp ra nước ngoài nên mới cần kiểm soát.

"Việc kiểm soát rất khó khăn nên phải đề ra cơ chế xử lý đủ tính răn đe nếu phát hiện quan chức đầu tư bất hợp pháp ra nước ngoài nhằm hạn chế, ngăn chặn từ xa hoạt động tẩu tán tài sản của quan chức", ông Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó ông Thang Văn Phúc lý giải điều này liên quan tới việc kê khai tài sản của quan chức, nếu phát hiện kê khai không đúng thì cơ quan chức năng có quyền giám sát. Nhưng vấn đề có làm được hay không, có khả thi không, không phải muốn là làm được.

Ngay ở nước ngoài họ cũng bảo vệ bí mật của cá nhân, không phải ai cũng vào kiểm soát được trừ trường hợp đã thành án. Đối tượng thành án rồi thì các nước họ mới cho phép tiếp cận, kiểm soát, thu hồi tài sản, còn chưa thành án thì nhiều nước không cho phép.

"Cái gốc của vấn đề là phải thay đổi hệ thống quản trị để bịt dần những kẽ hở chính sách, pháp luật, tránh lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực", ông Phúc nói.

Phan Quốc Việt - 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á - đã bị khởi tố trong vụ án liên quan việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19

Phan Quốc Việt - 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á - đã bị khởi tố trong vụ án liên quan việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19

Ông Bùi Ngọc Lam (phó tổng Thanh tra Chính phủ):

Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ

Sau khi có kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa giám sát về, họ kiến nghị ngay nên Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện.

Hiện Thanh tra Chính phủ vẫn đang hoàn thiện việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ quyền hạn.

Đề nghị công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú

Để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị:

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, tạm thời kê biên/phong tỏa tài sản ngay giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin tội phạm trong một thời gian cụ thể.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú để nhân dân giám sát.

- Thể chế hóa quy định của Đảng phù hợp với Hiến pháp 2013 và pháp luật về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Quy định thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.

- Bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại.

- Kiến nghị Chính phủ thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy, thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có.

- Nghiên cứu cơ chế khởi kiện với cá nhân, tổ chức gây thất thoát tài sản nhà nước để yêu cầu bồi thường.

- Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt đầu tư bất động sản ở nước ngoài.

- Hình sự hóa việc làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự.

- Tăng cường giám sát đối với chính quyền địa phương, phát hiện, ngăn chặn từ sớm các sai phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, tín dụng.

Ba con đường thu hồi tài sản tham nhũng của Trung Quốc

Trung Quốc cũng phối hợp với các nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng để truy tố và thu hồi tài sản tham nhũng đã tuồn ra nước ngoài.

Luật về thu hồi tài sản tham nhũng của Trung Quốc có quy định về quy trình tịch thu tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.

Cựu quan chức tham nhũng Li Huabo bị bắt tại Bắc Kinh năm 2015  - Ảnh: Tân Hoa xã

Cựu quan chức tham nhũng Li Huabo bị bắt tại Bắc Kinh năm 2015 - Ảnh: Tân Hoa xã

Điều 383 Bộ luật hình sự quy định người phạm tội tham nhũng, trước khi bị khởi tố, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, thành khẩn ăn năn, tích cực nộp lại tài sản phạm tội để giảm bớt thiệt hại thì tùy theo mức độ nặng nhẹ để được xử phạt nhẹ hơn hoặc giảm nhẹ hoặc được miễn hình phạt.

Xiao Jianming, cựu chủ tịch Tập đoàn khai mỏ Yunna Tin thuộc sở hữu nhà nước, là người có mặt trong "danh sách 100 đối tượng tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất" của Trung Quốc. Xiao từng tuyên bố rằng mình sẽ lẩn trốn ở nước ngoài đến chết.

Nhưng dưới sự hướng dẫn của các chính sách và sự răn đe của pháp luật, Xiao đã tự nguyện quay về, giao mình cho chính quyền, và tự nguyện trả lại số tài sản trị giá khoảng 250 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD) do tham nhũng mà có năm 2019.

Tháng 3-2012, Trung Quốc sửa đổi luật hình sự, bổ sung thêm các thủ tục tịch thu tài sản đặc biệt trong trường hợp nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời.

Theo đó, viện kiểm sát có quyền đưa đơn ra tòa án để xử lý tài sản.

Li Huabo, một cựu quan chức Trung Quốc nằm trong danh sách 100 đối tượng tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất, từng trốn sang Singapore và tìm cách chuyển số tiền tham nhũng tới quốc gia này.

Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết tịch thu tài sản bất hợp pháp của Huabo ở trong nước và Singapore với tổng giá trị lên tới 4,3 triệu USD.

Các lệnh tịch thu do tòa án Trung Quốc ban hành đã được Singapore chấp thuận và thực thi. Singapore đã thu hồi giấy phép cư trú, trục xuất và trao trả ông Li Huabo về Trung Quốc.

Tháng 10-2018, Luật hỗ trợ tư pháp hình sự quốc tế của Trung Quốc được ban hành, quy định cụ thể việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp (MLA), cũng như tịch thu và trả lại tài sản bất hợp pháp. Luật đã thúc đẩy hợp tác MLA giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Theo tiến sĩ Li Lu - Đại học Khoa học hành chính và Luật Trung Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc phòng chống tham nhũng mà Trung Quốc phê chuẩn năm 2005 đã cung cấp cơ sở pháp lý quốc tế và mở ra con đường mới để Bắc Kinh tiến hành hợp tác thu hồi tài sản với các quốc gia khác.

Tham quan Trung Quốc Yan Yongming từng bỏ trốn tới New Zealand, mang theo số tiền bất chính kiếm được. Dựa vào UNCAC, Trung Quốc đã phối hợp cùng New Zealand đệ đơn kiện với Yan Yongming và thu hồi số tài sản của người này.

Năm 2016, Yan Yongming cuối cùng đã trở về Trung Quốc nộp mình. Do quyết định tự nguyện trở về sau 15 năm trốn chạy, Yan đã nhận được mức án khoan hồng là 3 năm tù giam, 3 năm tù treo.

Ông bị đưa trở lại New Zealand để ra tòa ở tòa án New Zealand và bị kết án 5 tháng quản thúc tại gia vì tội rửa tiền. Tài sản của ông ta bị tịch thu và số tiền tịch thu được chia cho hai nước. Hơn 19 triệu USD được trả cho Trung Quốc, theo báo China Daily.

Việc tịch thu tài sản bất chính từ các quan chức tham nhũng đã trốn khỏi đất nước là một phần của chiến dịch "Lưới trời" Trung Quốc phát động vào năm 2014.

Bên cạnh việc kêu gọi người tham nhũng ăn năn hối lỗi, tự nguyện giao nộp tài sản, Trung Quốc có Luật hình sự để tịch thu tài sản do tham nhũng, kể cả khi nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời.

HỒNG VÂN

Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):

Rất cần để dân giám sát bản kê khai tài sản

Chúng ta đã thấy có không ít thông tin về việc quan chức này xây biệt phủ, cán bộ nọ có nhiều nhà... gửi đến cơ quan có trách nhiệm để kiểm tra xuất phát từ phát hiện, phản ánh của người dân.

Tại các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri người dân nơi có cán bộ cư trú phản ánh về việc cán bộ đó lối sống ra sao, con đang du học ở nước nào, vợ con và gia quyến có công ty sân sau không, có bao nhiêu nhà đất và ai đứng tên, nhà đất ở những địa phương nào hay ở nước ngoài... Họ nắm rất nhiều thông tin và thậm chí rất chính xác.

Trong khi theo quy định phòng chống tham nhũng thì bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ công khai với tổ chức đảng tại nơi họ làm việc, công tác.

Các bản kê khai này cũng được giao cho đầu mối quản lý tập trung là Cơ quan Thanh tra. Việc này làm mất đi phần nào hiệu quả của kê khai tài sản trong công tác giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý hành vi tham nhũng.

Rất cần bổ sung vào quy định pháp luật phòng chống tham nhũng về việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ tại nơi họ cư trú.

ÁI NHÂN

Sớm có đề án thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tộiSớm có đề án thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, về thực hiện kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Xem thêm: mth.19673638080503202-gnod-3-coud-ihc-ioh-uht-gnod-01-gnuhn-maht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tham nhũng 10 đồng, thu hồi chỉ được 3 đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools