Bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu kèm thêm điện không được cung ứng đủ sẽ là cú bồi nặng hơn cho nhiều doanh nghiệp.
Có chi phí giảm, nhưng...
Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng thêm 3% sau một thời gian Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố các khoản lỗ và cảnh báo về nguy cơ mất cân đối tài chính. Tuy vậy, mức tăng 3% được xem là thấp hơn nhiều so với các phương án đề xuất trước đó và mức chênh lệch giữa giá thành sản xuất kinh doanh điện và giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ năm 2019, là khoảng 10%.
Mức tăng 3% mang lại cho EVN doanh thu tăng thêm khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng lãnh đạo EVN cũng phải thừa nhận "vẫn rất khó khăn". Bởi khoản thua lỗ của tập đoàn này trong năm 2022 (chưa bao gồm hạch toán chênh lệch tỉ giá) lên tới 26.200 tỉ đồng.
Năm nay có thuận lợi là giá than nhập đã giảm mạnh tới 50 - 80% nên nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập được huy động tăng thêm, nhưng việc nhập than cũng "trở tay không kịp". Đã có thời điểm nhu cầu điện tăng cao, EVN phải huy động nguồn chạy dầu giá cao, đỉnh điểm ngày 21-4 huy động tới 2.498 MW.
Theo quy định, sáu tháng giá điện mới được rà soát và tính toán để điều chỉnh, nên để đảm bảo cân đối tài chính trong năm nay, EVN phải chủ động đưa ra nhiều biện pháp như tăng thêm việc cắt giảm chi phí hoạt động từ 10% lên 15%, đặc biệt là cắt giảm chi phí sửa chữa lớn tăng tới trên 30%... Mà điều này có thể tăng khả năng sự cố điện.
Lại nguy cơ thiếu điện
Báo cáo gần nhất gửi Bộ Công Thương, EVN nêu ra hàng loạt khó khăn bủa vây trong cung ứng ổn định nhiên liệu than, khí để vận hành các nhà máy nhiệt điện - vốn có vai trò chạy nền cho toàn hệ thống.
Tình hình thủy văn từ các nhà máy thủy điện cũng nan giải, khi hầu hết đều dưới mực nước thấp hơn quy định. Việc huy động nguồn điện tái tạo cũng vướng mắc khi việc đàm phán giá cần nhiều thời gian mà chưa có hướng dẫn cụ thể...
EVN tính toán mùa khô năm nay miền Bắc có thể thiếu gần 5.000 MW, việc cắt giảm nhu cầu sử dụng điện được tính đến trong các tình huống cực đoan.
Những tồn tại, vướng mắc lâu nay của ngành điện, hơn lúc nào hết được bộc lộ rõ nhất. Đó là những thách thức đầu tư phát triển nguồn phát điện sao cho hợp lý với lưới truyền tải, phân phối; vấn đề phát triển thị trường điện để hướng tới bán lẻ cạnh tranh, cùng các cơ chế mua bán điện trực tiếp... vẫn còn loay hoay và giậm chân tại chỗ.
Chưa kể, việc thu hút đầu tư vào ngành điện trong nhiều năm qua đang có sự mất cân đối. Trong khi các nguồn điện lớn là nhiệt điện than, điện khí đã và đang xây dựng bị chậm tiến độ thì sự nở rộ của nguồn năng lượng tái tạo tạo nên áp lực lớn để vận hành an toàn, cân đối cung cầu do tính không ổn định của nguồn điện này.
Sự chậm trễ trong việc ban hành các quy hoạch, cơ chế chính sách cũng khiến cho việc thu hút đầu tư còn nhiều rào cản.
Đến nay, thị trường bán buôn điện cạnh tranh dù vận hành nhiều năm nhưng mới chỉ được thực hiện trong nội bộ của năm tổng công ty điện lực trực thuộc EVN chứ chưa có doanh nghiệp bên ngoài.
Nhiều nhà đầu tư điện tái tạo và doanh nghiệp FDI nóng lòng muốn có cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) không thông qua EVN. Song cơ chế xã hội hóa cung cấp điện, tức nhà máy sản xuất được bán điện trực tiếp cho khách hàng, vẫn chưa được Bộ Công Thương ban hành.
"EVN không thể ôm hết được" - đó là chia sẻ của một vị lãnh đạo tập đoàn này. Có lẽ nếu cứ để EVN "một mình một chợ" thì những luẩn quẩn của ngành điện sẽ vẫn tiếp tục. EVN không thể mãi làm nhiệm vụ mua đi, bán lại với tất cả các đơn vị và khách hàng, mà cần thúc đẩy hơn nữa thị trường bán buôn điện cạnh tranh một cách thực chất để sớm đi vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) làm đơn vị độc lập, tách ra khỏi EVN.
Có như vậy mới đảm bảo tính công khai, minh bạch cho toàn ngành điện và thị trường.
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, nắng nóng tại TP.HCM kéo dài. Nhiệt độ cao khiến việc sử dụng thiết bị làm mát gia tăng, từ đó lượng điện tiêu thụ liên tục phá kỷ lục.
Xem thêm: mth.44495703270503202-neid-ueiht-nad-iougn-ed-gnohk/nv.ertiout