Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu (Huế), nguyên là phủ của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1916, Bửu Đảo lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Khải Định. Năm 1917, vua Khải Định đã cho xây dựng thành một tòa cung điện nguy nga, gọi là cung An Định. Đến đầu năm 1919, công trình hoàn tất.
Cung điện được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Đặc biệt là nghệ thuật trang trí nội thất, với bộ tranh tường ở sảnh chính của tòa lâu đài Khải Tường Lâu, được đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật bích họa ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Sau nhiều năm bị hư hại nặng nề và chìm khuất theo sự lãng quên, bộ tranh đã được các chuyên gia Đức hồi phục vào tháng 8-2003, gây sửng sốt cho nhiều người.
Giá trị mỹ thuật của bộ bích họa đã được phô bày, nhưng nhiều câu hỏi khác vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.
Bức tranh thứ sáu trong cung An Định vẽ cảnh lăng vua nào?
Bộ tranh có sáu bức, vẽ phong cảnh lăng tẩm của các vị vua Nguyễn, xếp theo lối đăng đối.
Từ trong nhìn ra, bức đầu tiên bên trái vẽ phong cảnh lăng vua Gia Long, đối diện là bức tranh lăng vua Minh Mạng.
Tiếp theo bên trái là bức tranh lăng Thiệu Trị, đối diện là bức tranh lăng vua Tự Đức.
Hai bức còn lại nằm trên bức tường phía trước ngay cửa ra vào sảnh, bức bên trái vẽ cảnh lăng vua Đồng Khánh, nhưng bức bên phải tức bức tranh thứ sáu không rõ vẽ phong cảnh lăng tẩm vị vua nào.
Trong bài Bí ẩn tranh tường cung An Định của tác giả Ngô Minh, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - phỏng đoán rằng có thể bức tranh đó vẽ lăng Khải Định ở dạng phác thảo ban đầu.
Kiến trúc sư Phùng Phu - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho rằng bức tranh thứ sáu có thể là một phủ đệ nào đó có tầm quan trọng đặc biệt với triều đình và bản thân vua.
Tiếp đó, ngày 20-12-2003, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong bài Khám phá bí ẩn bức tranh tường số 6 cung An Định đã bác bỏ hai giả định nói trên và cho rằng bức tranh thứ sáu vẽ cảnh mặt tiền khu tẩm điện của lăng vua Đồng Khánh.
Rất lâu sau, nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng trong bài Vài điều làm sáng tỏ sáu bức tranh tường trong cung An Định đăng trên trang cá nhân ngày 24-5-2020, cho rằng bức tranh thứ sáu vẽ phong cảnh "khuôn viên mộ vua Đồng Khánh".
Tuy nhiên đối chiếu trên thực tế vẫn không hề phù hợp.
Đó chính là phong cảnh lăng vua Kiến Phúc
Trong khi tìm kiếm tư liệu về Di Khiêm Lâu, một công trình thuộc Khiêm Lăng của vua Tự Đức đã bị sụp đổ, chàng trai trẻ Nguyễn Tấn Anh Phong đã tình cờ chụp được bức ảnh Bồi Lăng (tức lăng vua Kiến Phúc) với góc chụp gần khớp với bức tranh thứ sáu trong cung An Định.
Bồi Lăng cũng nằm trong khuôn viên Khiêm Lăng, và nằm sát cạnh Di Khiêm Lâu.
Phong tiếp tục nghiên cứu các ảnh tư liệu chụp các công trình Di Khiêm Lâu, Chấp Khiêm Điện (ngôi điện thờ vua Kiến Phúc), và phát hiện đó chính là hai ngôi nhà trong bức tranh thứ sáu.
TS Trần Đức Anh Sơn cũng là người được Anh Phong gửi các tài liệu để nhờ thẩm định. "Sau khi xem các hình ảnh tư liệu có các công trình Chấp Khiêm Điện, Di Khiêm Lâu, đối chiếu với hình ảnh mới, tôi thấy ý kiến của Phong là xác đáng. Bức tranh thứ sáu trong cung An Định đúng là vẽ phong cảnh lăng vua Kiến Phúc", ông Sơn nói.
Tháng 2-2022, Phong đã chuyển các hình ảnh cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, đơn vị quản lý cung An Định, với lời đề nghị: xin hãy kiểm chứng và nếu đúng thì xin sửa lại dòng chú thích ở dưới bức tranh thứ sáu trong cung An Định cho chính xác.
Bà Phan Thị Thúy Vân, nguyên phó giám đốc của bảo tàng, đã tiếp nhận thông tin cùng các tư liệu. Đầu tháng 5-2023, chúng tôi trở lại cung An Định, và thấy dòng chú thích ở dưới bức tranh thứ sáu đã được thay bằng "Lăng hoàng đế Kiến Phúc".
Vậy là sau hơn 100 năm tồn tại, bí ẩn của bức tranh thứ sáu trong cung An Định đã được khám phá.
Điều thú vị là người vén bức màn bí ẩn ấy lại là một chàng trai trẻ làm nghề kinh doanh. Chỉ vì yêu say di sản và đam mê việc phục hồi ảnh cổ mà Nguyễn Tấn Anh Phong đã tìm ra được lời giải cho câu hỏi đã thách thức giới nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật suốt mấy chục năm qua.
TTCN - TTCN từng đăng bài “Bí ẩn tranh tường cung An Định” của Ngô Minh; phần chủ yếu của bài báo gióng lên hai câu hỏi còn tồn tại chung quanh sáu bức tranh cổ ấy: 1. Trong sáu bức, người xem “nhìn hình vẽ có thể nhận ra phối cảnh thật của năm lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồn g Khánh; còn một bức chưa rõ vẽ công trình gì?”; 2. Tác giả đích thực của sáu bức tranh tường nêu trên là ai?
Xem thêm: mth.26595516140503202-hnid-na-gnuc-gnout-nert-uas-uht-hnart-cub-ohc-iaig-iol-yaht-mit/nv.ertiout