Theo đó, bệnh COVID-19 được xếp vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm. Điều này có nghĩa các cá nhân và doanh nghiệp có quyền tự quyết định các biện pháp bảo vệ trước COVID-19, bắt đầu từ ngày 8-5.
Đây là thay đổi lớn sau ba năm Nhật Bản ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản cần đảm bảo việc các tổ chức y tế luôn sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh tái phát trong tương lai.
Chính phủ Nhật Bản cũng dỡ bỏ hầu hết các yêu cầu phòng dịch, bao gồm việc cách ly bảy ngày với người nhiễm bệnh và năm ngày với những người tiếp xúc gần nguồn bệnh.
Người dân Nhật Bản sẽ phải tự trả phí cho việc điều trị ngoại trú và nhập viện liên quan đến COVID-19. Song chính phủ vẫn duy trì việc trợ cấp cho các điều trị đắt tiền.
Bệnh nhân COVID-19 của Nhật Bản sẽ được điều trị y tế tại các bệnh viện thông thường thay vì các cơ sở được chỉ định.
Năm 2020, Nhật Bản xếp COVID-19 vào nhóm 2 cùng với SARS, bệnh lao, hội chứng hô hấp cấp tính nặng.
Nhật Bản không lơ là COVID-19
Mặc dù hạ mức cảnh báo với COVID-19 nhưng Nhật Bản đã tính toán cho sự sẵn sàng của hệ thống y tế trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Chính phủ Nhật Bản cho biết khoảng 8.300 cơ sở y tế, bao gồm 90% bệnh viện trên toàn quốc và một số phòng khám, sẽ có khả năng tiếp nhận tới 58.000 bệnh nhân nội trú COVID-19 vào cuối tháng 9. Bên cạnh đó, 44.000 cơ sở sẽ tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú.
Vắc xin COVID-19 của nước này vẫn sẽ được miễn phí cho đến cuối tháng 3-2024. Khoản trợ cấp lên tới 20.000 yen (khoảng 148 USD) mỗi tháng vẫn được hỗ trợ cho người phải nhập viện liên quan đến COVID-19, kéo dài đến tháng 9 năm nay.
Cũng trong ngày 8-5, Nhật Bản bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền và các nhân viên y tế. Đối với một số người dân, đây sẽ lần tiêm chủng thứ sáu của họ.
Chính phủ cũng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho người dân về thời gian nên cách ly khi nhiễm bệnh. Nhật Bản khuyến cáo học sinh nhiễm COVID-19 nên nghỉ học trong năm ngày khi có triệu chứng và thêm một ngày sau khi hồi phục. Người khỏi bệnh nên đeo khẩu trang thêm 10 ngày và hạn chế tiếp xúc với người già, người mắc bệnh nền. Tuy vậy vẫn còn tranh cãi quanh việc có nên phân chia khu vực dành riêng cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế.
Tổng giám đốc WHO chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ ngày 5-5, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.
Xem thêm: mth.4745006180503202-aum-muc-iov-gnagn-gnoux-91-divoc-oab-hnac-cum-ah-nab-tahn/nv.ertiout