Mới đây Bộ Tài chính đã có ý kiến về đề xuất bỏ trần giá vé máy bay, đề nghị Bộ GTVT có đánh giá tác động rõ hơn của đề xuất này. Đây cũng không phải lần đầu tiên một vài doanh nghiệp hàng không có đề bỏ xuất trần giá vé máy bay.
Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Các đơn vị này cho rằng là giá vé nên được điều tiết theo cơ chế thị trường thì mới tạo được động lực phát triển cho các hãng.
Tuy nhiên ở góc độ người tiêu dùng sẽ băn khoăn là nếu không còn giá trần nữa thì giá vé có khả năng tăng cao quá hay không? Và liệu rằng có thể các hãng hàng không bắt tay với nhau để tăng giá hay không, đặc biệt là trong các đợt cao điểm du lịch hè?
Thực tế, giá vé máy bay đang được áp dụng theo quy định của Bộ GTVT từ năm 2015. Mức giá cao nhất (chưa bao gồm thuế phí) mà các hãng được phép bán là 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Sau mấy năm xảy ra dịch bệnh, hàng không là lĩnh vực chịu thiệt hại rất nặng nề. Chi phí nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực đều tăng, rồi cả biến động tỷ giá… lại càng khiến các hãng mong muốn được bỏ trần giá vé để có điều kiện đa dạng dải giá và đưa ra các loại vé giá cao đi kèm với chất lượng dịch vụ phù hợp.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, một khi Việt Nam đã hội nhập thì cũng không thể một mình một quy định được. Hiện nay không có mấy quốc gia trên thế giới áp khung giá vé máy bay. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không.
Tuy nhiên, hàng không là ngành kinh doanh có nhiều điều kiện chặt chẽ. Cho nên, nếu không còn giá trần thì buộc các hãng phải thực sự công khai, minh bạch để người tiêu dùng không phải chịu thiệt. Các cơ quan chức năng cũng sẽ phải quản lý chặt chẽ hơn và tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71111925090503202-yab-yam-ev-aig-nart-ob-gnohk-yah-nen/et-hnik/nv.vtv