Sáng 8-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, mã chứng khoán TGG) và 7 đồng phạm thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng thông qua hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK). Đây được xem là một vụ "thổi giá, đẩy giá" chứng khoán hay còn gọi là "lùa gà" điển hình từng bị phát hiện tại thị trường Việt Nam.
Những vụ việc nghiêm trọng
Cáo trạng xác định, xuất phát từ động cơ thu lợi bất chính, 2 bị cáo Ðỗ Thành Nhân và Ðỗ Ðức Nam đã lên kế hoạch thao túng TTCK giai đoạn 2020-2021. Theo đó, ông Nhân đã nhờ người thân, nhân viên mở hàng loạt tài khoản tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt; còn ông Nam đề xuất để Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho nhóm bị cáo Nhân vay hơn 748 tỉ đồng. Có tiền, ông Nhân và ông Nam chỉ đạo cấp dưới sử dụng 17 tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh mua bán cổ phiếu BII và TGG để tạo ra cung - cầu giả.
Ông Nhân còn lập nhóm Facebook "Louis Family" với hơn 10.000 thành viên, thường xuyên hô hào và đăng tải các nội dung như "từ đây đến cuối năm BII không được 3X, TGG không được 4X - 5X…, mọi người cứ chửi thoải mái".
Các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư hạn chế tham gia các hội, nhóm chưa được kiểm chứng để tránh sập bẫy “lùa gà” của các “đội lái”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuỗi hành vi trên đã đẩy giá 2 cổ phiếu trên liên tục tăng trần, khối lượng giao dịch rất lớn. Trong đó, cổ phiếu BII khi nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1-2021 chỉ có giá từ 1.000 - 6.500 đồng/cổ phiếu và lập đỉnh tại 33.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 18-9-2021; cổ phiếu TGG được nhóm ông Nhân khi mua vào hồi tháng 2-2021 có giá từ 1.800 - 5.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 22-9-2021 lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu.
Ngày 6-10-2021, nhóm của Nhân đã bán cả 2 mã cổ phiếu BII và TGG, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 154 tỉ đồng. Vụ việc đã khiến rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn vì lỡ "đu" theo hai mã này với giá rất cao và hiện chỉ còn dao động từ 1.000 - 3.000 đồng mỗi mã.
Đáng chú ý, hành vi thao túng TTCK của nhóm Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam không hề mới mẻ, bởi trước đó đã có nhiều vụ việc bị phát hiện. Điển hình là vụ ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) liên tục làm chiêu trò "thổi giá", tăng vốn ảo với các cổ phiếu và doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn FLC như FLC, ROS, HAI, AMD, KLF... trong nhiều năm nhưng mãi đến đầu năm 2022 mới bị phát hiện. Trong đó, đáng chú ý cổ phiếu ROS của FLC Faros từng có chuỗi tăng giá "điên cuồng" giai đoạn 2016-2017 sau khi lên sàn, từ hơn 12.000 đồng/cổ phiếu vọt lên trên 216.000 đồng/cổ phiếu, trở thành những mã chứng khoán đắt nhất thời điểm đó. Tuy nhiên, sau đó là chuỗi giảm giá không phanh xuống mức giá "trà đá", khiến không ít nhà đầu tư phải trắng tay.
Hiện tại, hầu hết những mã chứng khoán của các công ty trong hệ sinh thái có liên quan đến Tập đoàn FLC đều đã bị hủy niêm yết và chưa hẹn ngày trở lại sàn. Trong khi đó, vụ án thao túng TTCK của ông Trịnh Văn Quyết vẫn trong quá trình điều tra, chưa đưa ra xét xử.
Vẫn còn giao dịch bất thường
Những tưởng sau những vụ việc đã qua, TTCK sẽ lành mạnh và trong sạch hơn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có rất nhiều vụ thao túng nhỏ mà cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
Điển hình là giữa tháng 4 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 550 triệu đồng đối với ông Đoàn Bá Hồng (Hải Dương) vì đã có hành vi thao túng TTCK bằng cách sử dụng 24 tài khoản khác nhau để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu C69 của Công ty CP Xây dựng 1369. Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, chưa đủ căn cứ để xác định ông Đoàn Bá Hồng vi phạm quy định tại điều 211 Bộ Luật Hình sự.
Hay mới đây, ông Lại Trung Dũng (Hà Nội) - cổ đông lớn của Công ty CP Phát triển công trình Viễn thông (mã chứng khoán TEL) bị phạt tiền 100 triệu đồng, đồng thời bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm này. Ngoài ra, ông Dũng còn buộc bán bớt cổ phiếu để giảm tỉ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng. Nguyên nhân là do ông Dũng đã vi phạm không đăng ký chào mua công khai theo quy định.
Cũng trong tháng 4, ông Đỗ Quý Hải (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX), bị xử phạt tới 1,256 tỉ đồng vì đã bán gần 6,28 triệu cổ phiếu HPX nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, ông Hải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng.
Trước đó, vợ và em trai ông Đỗ Quý Hải cũng bị phạt hơn 700 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng vì chưa đăng ký bán cổ phiếu HPX.
Trong khi đó, trên TTCK thời gian qua vẫn còn rất nhiều mã cổ phiếu tăng giá kịch trần (hết biên độ) trong nhiều ngày liên tục mà ngay cả lãnh đạo doanh nghiệp cũng không lý giải được vì sao.
Nhận diện chiêu trò đẩy giá
Một chuyên gia chứng khoán khá nổi tiếng trên thị trường nhiều năm qua cho biết nhà đầu tư cá nhân thường rất dễ bị "hội chứng đám đông" và thích tham gia các hội, nhóm kín để tìm hiểu thông tin "mật" hay được "phím" mã cổ phiếu sắp tăng giá. Họ rất dễ bị dẫn dắt và làm theo nên cũng dễ "rước họa vào thân".
Các "đội lái" hay các nhóm thao túng cổ phiếu thường lợi dụng đặc tính này của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để tung chiêu trò "lùa gà". Phổ biến nhất là mời gọi tham gia các hội nhóm cộng đồng, rồi các nhóm "VIP" để có nhiều đặc quyền, được "phím" cổ phiếu tốt, được biết trước thông tin mật.
Theo vị này, những nhà đầu tư không có kinh nghiệm rất dễ sập bẫy, tham gia tiếp tay cùng các nhóm này "thổi giá" cổ phiếu. "Nếu trước đây, một số lãnh đạo công ty niêm yết đứng ra hô hào, kêu gọi nhà đầu tư thì nay họ đã cho người khác lập tài khoản ảo trên mạng xã hội, ẩn danh, núp bóng để làm điều này. Do vậy, nhà đầu tư hạn chế tham gia các hội, nhóm chưa được kiểm chứng để tránh sập bẫy "lùa gà" của các đội lái" - chuyên gia này cảnh báo.
Ngoài ra, chuyên gia này còn chỉ ra chiêu "lùa gà" tinh vi hơn nữa là tình trạng thổi phồng dự án để đẩy giá cổ phiếu. Dự án không quá tốt nhưng DN và các "đội lái" không ngừng "bơm" thông tin tích cực để thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu, đẩy giá, trong khi đó họ âm thầm bán ra, người mua sau rất dễ thiệt hại. Hoặc DN dùng chiêu làm sạch báo cáo tài chính, "vứt rác" ở công ty này sang công ty khác cùng hệ sinh thái của họ để đẩy giá, đẩy tài sản công ty đó lên cao, biến từ vịt thành thiên nga nhằm mục đích thao túng. Những nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức, kinh nghiệm và ít thông tin khó lòng biết được.
Theo Công ty Chứng khoán DNSE, "đội lái" chứng khoán là những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, sở hữu nhiều vốn và mối quan hệ trên thị trường. Họ thường liên kết với các nhà môi giới, công ty niêm yết để điều khiển giá chứng khoán và hưởng lợi.
"Đội lái" thường sử dụng các tài khoản giao dịch để liên tục mua bán chứng khoán qua lại. Việc này tạo ra cung cầu giả trên thị trường, phản ánh sai giá trị của cổ phiếu. Họ còn liên tục mua bán một cổ phiếu với khối lượng lớn vào thời điểm sàn giao dịch đóng hoặc mở cửa nhằm tạo ra giá mở, đóng cửa mới của cổ phiếu đó theo ý muốn của mình.
Ngoài ra, các "đội lái" còn sử dụng chiêu trò lôi kéo thỏa thuận người khác mua bán chứng khoán để tác động đến cung cầu và giá trên thị trường. Đặc biệt, họ thường xuyên tung thông tin sai lệch. Những thông tin giả mà "đội lái" tung ra nhắm vào một cổ phiếu nào đó sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và giá của cổ phiếu đó.
Đã bớt chiêu trò "thổi giá"?
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng TTCK giai đoạn gần đây thanh khoản thấp nên tình trạng thao túng, thổi giá, đẩy giá từ lãnh đạo công ty, tổ chức rất khó xảy ra. Nếu có thì chưa đủ lực và đủ chiêu thức gọi là "lùa gà". Trước đây, hoạt động thao túng, "lùa gà" thường có kế hoạch bài bản. Có sự tham gia của công ty chứng khoán, tổ chức, họ đẩy giá rất lộ liễu, sau đó thả rơi như hình "cây thông"...
Còn hiện tại, để gia tăng thanh khoản, một số nhà đầu tư lớn cũng tham gia mua bán ngắn hạn kiếm lợi thì cũng không vi phạm pháp luật. Còn lãnh đạo các doanh nghiệp có ý định "ăn sỏi" thao túng cổ phiếu đều đã nằm im vì rất dễ bị cơ quan chức năng "sờ gáy". "Hiện nay, một vài DN hoạt động kinh doanh tốt, nhà đầu tư có tiền mới tham gia mua cổ phiếu, sau đó bán ra để kiếm lợi chứ không hô hào bất chấp như vài năm trước. Có thể gọi là nương theo tin tốt của DN để giao dịch thì đúng hơn" - chuyên gia này giải thích.
(Còn tiếp)
Xem thêm: mth.9095542280503202-naohk-gnuhc-nas-nert-ag-aul-ueihc-nagn/et-hnik/nv.moc.dln