Các công ty mía đường có niên độ tài chính thường trùng với vụ mía, tức bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau. Hiện, các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III cho niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/1/2023 - 31/3/2023) với bức tranh chung đều có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Lợi nhuận đồng loạt tăng
Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC Sugar – HoSE: SBT) công bố báo cáo tài chính quý III (2022-2023) với doanh thu thuần đạt 5.271 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, công ty đạt 17.946 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm và ghi nhận 533 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 69% kế hoạch năm.
Trong cơ cấu doanh thu, đường vẫn đóng vai trò chủ lực khi các dòng sản phẩm đường ghi nhận 16.535 tỷ đồng (chiếm 92,1%), tăng gần 40% so với cùng kỳ. Doanh thu mật rỉ ghi nhận 299 tỷ đồng chiếm 1,7% tăng 6,2% so với cùng kỳ; doanh thu điện ghi nhận 203 tỷ đồng chiếm 1,1%, tăng 11,3% so với cùng kỳ; doanh thu phân bón ghi nhận gần 158 tỷ đồng, chiếm 1%, tăng 111% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu khác cũng là một điểm nhấn ghi nhận gần 751 tỷ đồng, chiếm 4,1% doanh thu, tăng 63,4% so với cùng kỳ, bao gồm hoạt động bán máy móc cơ giới và các sản phẩm nông nghiệp khác như: chuối, dừa, cao su …
Quý III niên độ 2022-2023 của Đường Kon Tum (HNX: KTS) ghi nhận doanh thu hơn 153 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 219%, tương đương gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Đường Kon Tum thường xuyên duy trì lợi nhuận khá khiêm tốn dưới 4 tỷ đồng mỗi quý, song trong quý III niên độ 2022-2023, doanh nghiệp này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Đường Kon Tum ghi nhận lần lượt 259 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 100% về doanh thu và 207% về lãi sau thuế.
Ở khu vực phía Bắc, Mía đường Sơn La (HNX: SLS) cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc khi ghi nhậnlợi nhuận sau thuế duy trì trên 100 tỷ đồng quý thứ 2 liên tiếp, với xấp xỉ 109 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trong quý III niên độ 2022-2023, tăng 91% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được trong một quý kể từ khi đi vào hoạt động.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La đạt 1.126 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 298 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 73% và 138% so với cùng kỳ.
Mía đường Sơn La hoạt động ở khu vực phía Bắc với cơ cấu sản phẩm chính là sản phẩm đường và mật rỉ, bên cạnh đó còn có một phần nhỏ doanh thu từ nông sản, phân bón, mía giống, xỉ tro… Công ty này đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La (không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp).
Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) có lợi nhuận sau thuế quý III tăng 22% so với cùng kỳ đạt gần 9 tỷ đồng. Kết thúc 3 quý đầu niên độ 2022-2023, lợi nhuận sau thuế của Mía đường Lam Sơn ghi nhận hơn 16 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Một đơn vị lớn trong ngành khác là Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) - công ty mẹ của thương hiệu Vinasoy có niên độ tài chính thông thường kết thúc vào 31/12 hàng năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Đường Quảng Ngãi có doanh thu thuần đạt 2.130 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng sữa đậu nành đóng góp lớn nhất với 817 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm đường đóng góp 746 tỷ đồng doanh thu, tăng đột biến 79% so với quý I/2022.
Tổng các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp gần như không đổi so với cùng kỳ giúp Đường Quảng Ngãi ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế tăng 80% lên gần 317 tỷ đồng.
Hưởng lợi khi giá đường tăng cao
Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).
Biện pháp này đã phát huy tác dụng bảo hộ đối với ngành đường trong nước kể từ tháng 8, khi sản lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia giảm rõ rệt so với cùng kỳ.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, giới phân tích đã dự báo năm nay doanh nghiệp trong ngành mía đường sẽ có sự phục hồi, lấy lại vị thế nhờ áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó.
Cụ thể, niên vụ 2022 - 2023, cả nước dự kiến có khoảng 151.300 ha diện tích trồng mía sản xuất, tăng 3% so với niên vụ trước. VSSA kỳ vọng sản lượng mía ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường sản xuất đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, giá thu mua mía nhiều khả năng sẽ ổn định hơn nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía, đảm bảo nguồn cung nội địa.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành đường, VnDirect kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023. Trên thực tế, giá đường thế giới đã chạm đỉnh trong 11 năm trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu khan hiếm.
Dữ liệu từ trang Tradingeconomics, tính đến ngày 27/4, giá đường thô tăng lên 26,9 cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, chạm đỉnh trong vòng 11 năm. Nguyên nhân giá đường tăng phi mã đến từ việc lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đe dọa duy trì áp lực lên lạm phát lương thực toàn cầu.
Theo VnDirect, các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường. Trong khi với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như QNS hay SBT, giá bán đường cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.