Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 16 giờ ngày 7.5 đến 16 giờ ngày 8.5, TP.HCM ghi nhận 104 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 71 ca nhập viện. Trong ngày có 37 người xuất viện.
Trong ngày có 1 ca tử vong do Covid-19 với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm SARS-CoV2 mức độ nguy kịch, tổn thương thận cấp, suy tim mất bù cấp, suy thượng thận cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 502 ca mắc Covid-19, trong đó có 173 ca cần hỗ trợ hô hấp.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 3.342 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Hiện Covid-19 không còn xem là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, ngành y tế TP.HCM đang xây dựng kịch bản phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ V2K (khẩu trang, khử khuẩn, vắc xin, vệ sinh).
Chia sẻ với báo chí Việt Nam vào ngày 8.5, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết Covid-19 vẫn hiện hữu. Tuy các ca nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm, người dân có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng, nhưng không có nghĩa Covid-19 ít nguy hiểm hơn hay đã hết đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Covid-19 ngày 8.5: Thêm 2.055 ca mới, 1 ca tử vong ở Tây Ninh
Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Covid-19 không thể như cúm mùa dù có một số hiện tượng tương đồng. Covid-19 có khác biệt lớn, bởi bệnh này không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Covid-19 hiện vẫn là bệnh vô cùng mới vì chúng ta mới có 4 năm làm quen, trong khi cúm mùa đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu. Do đó, WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chấm dứt đại dịch Covid-19.