Vừa qua, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 5, mặc dù có những tín hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ sớm chấm dứt, song điều này vẫn gây ra áp lực tới hệ thống kinh tế toàn cầu.
Trong nước, hàng loạt các yếu tố tiêu cực tác động nền kinh tế, dòng tiền vào thị trường sụt giảm trong bối cảnh các tổ chức tín dụng kiểm soát cho vay, đầu tư chứng khoán chặt chẽ hơn và lãi suất cho vay ký quỹ tăng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn phải thanh lý danh mục đầu tư cổ phiếu để cân đối dòng tiền mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tâm lý lo ngại, thận trọng và niềm tin sụt giảm của nhà đầu tư trước những tác động tiêu cực từ bối cảnh rủi ro vĩ mô và những vi phạm trên thị trường vốn.
Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức, thậm chí còn có thể hưởng lợi từ việc gửi tiền nhàn rỗi.
Người Đưa Tin đã thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của 10 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền (gồm tiền mặt, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và đầu tư chứng khoán) có sự tăng trưởng so với thời điểm đầu năm.
Kết quả cho thấy, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền nhiều nhất trên sàn chứng khoán đều là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ vật liệu xây dựng, hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến ô tô lần lượt gồm: Hoà Phát, PV Gas, ACV, Vingroup, Bình Sơn, Sabeco, Thế Giới Di Động, Vinamilk, Masan, Viettel Global.
Tổng giá trị tiền tại ngày 31/3/2023 của 10 tổ chức này hơn 250.771 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), tăng nhẹ 4.151 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, Hoà Phát chính thức bị soán ngôi bởi PV Gas sau 5 quý liên tiếp dẫn đầu. Theo đó, PV Gas đã vươn lên “ngôi vương” với 36.879 tỷ đồng số tiền mặt đang nắm giữ, tăng hơn 2.600 tỷ đồng so với đầu năm.
Với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục, chỉ trong 3 tháng đầu năm PV Gas thu về gần 480 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay gấp đôi so với cùng kỳ.
Xếp vị trí thứ hai chính là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long với lượng tiền nắm giữ gần 35.300 tại thời điểm cuối tháng 3/2023, tăng nhẹ 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nếu so sánh với cùng kỳ 2022, lượng tiền mà HPG nắm giữ đã giảm tới 11.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, Hòa Phát lãi sau thuế 383 tỷ đồng trong quý I/2023, giảm 95% so với cùng kỳ. Tuy vậy, việc “vua thép” có lãi trở lại sau 2 quý lỗ liên tiếp là một tín hiệu khả quan và xác nhận cho dự báo của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long là ngành thép đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.
Ba doanh nghiệp nắm giữ trên 1 tỷ USD tiền và tương đương tiền khác là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với hơn 31.000 tỷ đồng; Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) nắm giữ 28.564 tỷ đồng lượng tiền, tăng mạnh 3.539 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Riêng Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) giảm mạnh nhất gần 6.000 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng đầu năm, ghi nhận còn hơn 24.000 tỷ đồng. Đối với Vingroup, tiền mặt và tiền gửi giảm mạnh chủ yếu do dòng tiền kinh doanh thuần và dòng tiền đầu tư trong kỳ âm với giá trị lớn.
Một số doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) với 20.362 tỷ đồng; Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) với 19.809 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HoSE: PLX) với 19.000 tỷ đồng; Vinamilk với 18.800 tỷ đồng; Masan Group là 17.678 tỷ đồng, Viettel Global là 17.637 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su (GVR) 14.589 tỷ đồng; VEAM với 15.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, các tập đoàn nói trên hầu như chỉ giữ một lượng nhỏ tiền mặt trong tài khoản, còn lại đem gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn dưới một năm để hưởng lãi tiền gửi. Số tiền này phần nào bù đắp các khoản chi phí lãi vay lớn từ những khoản nợ vay mà các doanh nghiệp phải gánh vác.