vĐồng tin tức tài chính 365

Từ nay đến cuối năm lãi suất và đồng tiền Việt sẽ ra sao?

2023-05-10 13:11

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 sáng 10-5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà cho hay, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Từ nay đến cuối năm lãi suất và đồng tiền Việt sẽ ra sao? ảnh 1
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. Ảnh: M.T

Phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu

NHNN phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; làm sao để giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; làm sao để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế…

Về tín dụng, dù tăng trưởng tín dụng đang rất chậm, song Phó Thống đốc cho rằng, nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm ngoái, NHNN đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% song 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng rất nhanh.

Tuy vậy, đến tháng 9-2022, kinh tế thế giới biến động mạnh: Fed tăng lãi suất, USD tăng giá kỷ lục, trong nước xảy ra sự cố SCB… dẫn tới khó khăn thanh khoản hệ thống, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, NHNN đã đưa ra các mục tiêu ưu tiên khác nhau về chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn. Đơn cử, năm 2022, khi USD lập đỉnh trên thế giới, NHNN phải ưu tiên xử lý vấn đề tỷ giá trước, sau đó là xử lý vấn đề thanh khoản rồi mới đến câu chuyện lãi suất.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đã ổn định, đảm bảo vốn cho nền kinh tế.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm nay, kinh tế thế giới sẽ suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại song sẽ hồi phục vào năm 2024. Khả năng Fed sẽ không còn tăng lãi suất trong năm nay và đảo chiều lãi suất vào năm tới. Với Việt Nam, NHNN đã đi trước một bước trong giảm lãi suất bằng việc 2 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.

“Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm, tương đương với lãi suất trước đại dịch Covid-19”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết.

Từ nay đến cuối năm lãi suất và đồng tiền Việt sẽ ra sao? ảnh 2
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: M.T

Đối với tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho biết, biến động của tỷ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Bước sang năm 2023, do USD mất giá và kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng thấp hơn, Fed không tiếp tục tăng lãi suất từ nay tới cuối năm, các đồng tiền khác tăng giá trở lại, trong đó có VNĐ.

Từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,7-0,8% so với USD. Dự báo cho cả năm 2023, ông Lực cho rằng, tỷ giá cơ bản cả năm sẽ ổn định, VNĐ nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%.

Về tín dụng, năm nay NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 14%, song khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ thấp hơn dự báo từ 13 - 14%.

Đáng lo nhất theo TS. Cấn Văn Lực là nợ xấu. Ông Lực phân tích, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh (dự báo khoảng 2,5%). Tuy nhiên, Thông tư 02/2023/TT-NHNN vừa được ban hành sẽ làm tốc độ tăng nợ xấu chậm lại năm nay. Dù vậy, theo ông Lực, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát do năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tốt hơn nhiều giai đoạn trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung toàn hệ thống hiện đã lên tới 125%.

Ngoài ra, huy động vốn và tốc độ cung tiền năm nay cũng dự báo khả quan hơn năm trước, tăng trưởng khoảng 10%. Thị trường chứng khoán năm nay cũng dự báo phục hồi trở lại, tăng khoảng 15%.

Cần tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm phí, đẩy mạnh đầu tư công

Để nền kinh tế phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.

Mặc dù vậy, NHNN đang chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ thận trọng, chặt chẽ sang hướng nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, NHNN đang điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ban hành chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng….

Đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ với nền kinh tế, song chuyên gia này cũng cho rằng, năm 2023, chính sách tài khóa vẫn là chính sách chủ lực trong hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực đề nghị tiếp tục tung ra một số gói hỗ trợ cho người dân (giãn hoãn thuế, giảm phí); đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống,...

Đại diện IMF cũng khuyến nghị, các chính sách tiền tệ cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá; đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản; chính sách tài khóa nên linh hoạt và có mục tiêu.

MINH TRÚC

Xem thêm: lmth.936237tsop-oas-ar-es-teiv-neit-gnod-av-taus-ial-man-iouc-ned-yan-ut/nv.olp

“Từ nay đến cuối năm lãi suất và đồng tiền Việt sẽ ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools