Lãi suất cao là mối lo mà nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương nhắc tới nhiều lần, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ ngày 11/5 tại TP HCM.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM nói rằng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua, song doanh nghiệp chỉ mới dễ thở hơn, chứ chưa dám nói phục hồi hay phát triển.
Lãi suất cho vay doanh nghiệp vẫn ở mức 10%, riêng với ngành thực phẩm được ưu đãi thấp hơn, khoảng 7-8%. Với mức lãi suất cao như hiện nay, theo bà, doanh nghiệp khó lòng tái sản xuất để phục hồi. "Kéo lãi suất vay xuống là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp", bà nói.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang chật vật, bà Lý Kim Chi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay. "Chúng tôi liên tục nghe tin ngân hàng báo lãi lớn trong khi doanh nghiệp khó khăn quá", bà nói.
Doanh nhân này kỳ vọng các nhà băng tiết giảm chi phí để san sẻ bớt gánh nặng với khách hàng. Bên cạnh đó, bà Kim Chi cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành trong tháng này, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đã hạ nhiệt.
Đại diện cho nhiều ý kiến của doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi, cũng kiến nghị giảm thêm lãi suất cho vay. Theo ông, hầu hết doanh nghiệp phản ánh mặt bằng lãi suất có giảm, nhưng trung bình vẫn còn cao ở mức 10%. Trong khi đó, mong muốn của doanh nghiệp là đưa mức lãi suất về 7-8%. Điều này là thách thức về mặt điều hành nhưng theo ông, các bên cần ngồi lại để bàn giải pháp.
Có mặt tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn của người đi vay, nhưng bà kỳ vọng doanh nghiệp thấu hiểu hơn với ngành ngân hàng.
"Chúng tôi rất muốn giảm lãi suất nhưng giảm mức độ như thế nào còn tuỳ thuộc vào cân đối vĩ mô", Thống đốc nói. Có ý kiến cho rằng lạm phát đã giảm nên chúng ta có thể mở rộng chính sách tiền tệ. Nhưng điều hành chính sách tiền tệ phải nhìn về phía trước. Mục tiêu lạm phát của Việt Nam là 4,5% trong khi lạm phát cơ bản hiện gần 5%.
Điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng không phải chỉ giải quyết một vấn đề duy nhất là lãi suất. "Chúng tôi vừa phải giảm lãi suất, vừa phải mở rộng tín dụng, vừa phải ổn định tỷ giá, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Mục tiêu nào cũng quan trọng", Thống đốc chia sẻ.
"Năm 2022 dù Mỹ và các nước tăng nhanh và tăng mạnh lãi suất, chúng tôi vẫn cố chưa tăng lãi suất điều hành. Nhưng tới tháng 9 khi tỷ giá tăng rất cao, lúc đó Ngân hàng Nhà nước buộc phải thực hiện một chùm chính sách, gồm tăng lãi suất", bà Hồng nói. Việt Nam có thể phát hành tiền đồng, nhưng không thể phát hành ngoại tệ. Bởi nếu để tiền đồng mất giá thì nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, thị trường ngoại hối không ổn định thì làm sao ổn định kinh tế vĩ mô.
Tháng 10 năm ngoái xảy ra sự cố người dân rút tiền tại SCB, ưu tiên lúc đó, theo bà lại là đảm bảo an toàn hệ thống, các ngân hàng phải phòng thủ để đảm bảo thanh khoản trong trường hợp xấu.
Bước sang năm 2023 khi tình hình ổn định, thanh khoản hệ thống được cải thiện, và tỷ giá hạ nhiệt, Việt Nam mới có điều kiện giảm lãi suất điều hành dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tăng lãi suất.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi. Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản được cải thiện, chúng tôi sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, nếu điều kiện cho phép", bà Hồng phát biểu. Tuy nhiên, Thống đốc nhấn mạnh giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, mà có nhiều mục tiêu khác phải cân đối.
Về phía ngân hàng thương mại, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các nhà băng giảm thêm lãi suất. "Ngân hàng có tình hình tài chính tốt có thể giảm lãi suất, nhưng những nhà băng tài chính không tốt sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh", bà nói.
Ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Đây cũng là một trong các lý do theo Thống đốc, khiến một số nhà băng neo lãi suất cho vay dài hạn ở mức cao, để bù đắp rủi ro.
Tại hội nghị, một vấn đề khác cũng được nhắc tới nhiều, là sự thất bại của gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương kiến nghị khẩn trương rà soát lại gói hỗ trợ này để có giải pháp sửa đổi hoặc điều chuyển tiền qua gói hỗ trợ khác, vì hiệu quả triển khai thực tế rất thấp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng thương mại nên thông thoáng hơn trong việc đặt ra các tiêu chí giải ngân. Họ cũng kiến nghị ngân hàng không giảm giá trị tài sản thế chấp là bất động sản trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn.
Tuy nhiên, Thống đốc nhấn mạnh quan điểm quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt sau các bài học đổ vỡ của hai ngân hàng nước Mỹ gần đây. Hai nhà băng này đều có quy mô tài sản trên 200 tỷ USD và có lãi ít nhất 53 quý liên tục nhưng vẫn đổ vỡ vì đầu tư vào các tài sản dài hạn.
Rút ra bài học từ hai ngân hàng đang lành mạnh nhưng đổ vỡ vì không quản lý được rủi ro của các tài sản kỳ hạn dài, Thống đốc cũng nói thêm khả năng "rút tiền hàng loạt" với ngân hàng dễ xảy ra hơn giai đoạn trước khi người dân chỉ cần ngồi nhà và giao dịch điện tử. Vì thế, bản thân các ngân hàng cũng phải thận trọng khi cho vay, đảm bảo sẵn sàng lượng tiền cần thiết đáp ứng nhu cầu người dân. Nếu quản trị không tốt rủi ro, sự đổ vỡ của ngân hàng sẽ kéo theo tác động lan truyền tới nền kinh tế, bà Hồng chia sẻ.
Quỳnh Trang