Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2 lần giảm lãi suất điều hành, có chính sách giãn nợ cơ cấu nợ... Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp (DN) mới dần "dễ thở", chứ chưa phục hồi.
Hiện tỉ suất lợi nhuận của nhiều DN đều từ 11-12%, chưa trừ khấu hao và lãi ngân hàng. Nếu phải vay với lãi suất trên 10% như hiện nay thì DN sẽ bị lỗ. Các ngân hàng đưa mức lãi suất về 7-8% DN mới có cơ hội phục hồi. “Đồng thời nên xây dựng gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn về thủ tục, nâng tỉ lệ cho vay do giá trị tài sản định giá bị giảm, nâng tỉ trọng điểm đánh giá về khả năng trả nợ, dòng tiền tương lai của DN hơn là lịch sử tín dụng hay tài sản đảm bảo” - bà Lý Kim Chi đề nghị.
Hội nghị giải pháp tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TPHCM chiều 11/5 |
Theo ông Minh Tiến - Đại diện Công ty CP may Nhà Bè, nếu được hỗ trợ giảm lãi suất từ 2-4% sẽ hỗ trợ nhiều cho các DN, nhất là các DN dệt may vốn sử dụng nhiều lao động, lại đang gặp khó vì thiếu hợp đồng nhưng phải duy trì công việc, trả lương cho công nhân. Một số DN khác kiến nghị cần có thêm chính sách giãn thuế VAT, giãn đóng phí bảo hiểm xã hội, giãn đóng phí hạ tầng khu công nghiệp...
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, một số chỉ số xã hội của TPHCM trong tháng 4 có chiều hướng tích cực. Song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn khi số DN thành lập mới giảm cả về số lượng lẫn quy mô vốn đầu tư; số DN tạm dừng hoạt động tăng; số vốn đầu tư nước ngoài giảm 23,45%...
Qua nhiều lần làm việc với các Hiệp hội DN, nổi lên các vấn đề: 50% DN sản xuất cầm chừng, không có nhu cầu tín dụng, các khoản vay đến hạn gặp khó khăn về thanh toán; DN ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, một mặt nhu cầu tín dụng giảm, mặt khác họ ngại các vấn đề liên quan đến thanh kiểm tra...
Ông Phan Văn Mãi đề nghị NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp về lãi suất để có thể giảm lãi suất vay theo kiến nghị của DN, từ 10%/năm hiện nay xuống 7-8%/năm; có thêm nguồn vốn lưu động, hỗ trợ DN giãn hoãn nợ và không chuyển nợ xấu. Với các khoản vay mới thì không siết định giá tài sản thế chấp, tỉ lệ giải ngân trên tài sản; một số trường hợp tín dụng tốt thì mở rộng cho vay tín chấp. “Ngành ngân hàng tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan để DN sản xuất tiếp cận thị trường, phục hồi thị trường, mở rộng thị trường mới; khơi thông lại thị trường bất động sản. Nên đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng với công nhân, sinh viên, đẩy mạnh gói hỗ trợ công nhân mua nhà…” - ông Phan Văn Mãi kiến nghị.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhu cầu vay đang giảm xuống thì dù có tăng tín dụng DN cũng không vay. Quan trọng là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra cho DN, phục hồi thị trường tiêu thụ. Riêng với DN có nhu cầu vay vốn mà mà đủ điều kiện thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay vì ngân hàng đang hàng ngày trả lãi huy động với lãi suất cao cho người dân. Với nhóm DN không đủ điều kiện vay thì cần phát huy giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, phát huy các quỹ bảo lãnh địa phương. Nếu hoạt động sản xuất khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân thì cần phải nhiều chính sách phối hợp.
Với tín dụng tiêu dùng, trong bối cảnh bất động sản khó khăn thì người dân cũng hạn chế vay. Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Thị trường bất động sản khó khăn cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Hiện 70% vướng mắc của ngành bất động sản là về mặt pháp lý, nếu tháo gỡ được vướng mắc này thì tín dụng của ngân hàng với bất động sản sẽ được gỡ, người cần mua nhà sẽ mạnh tay chi tiền mua, góp phần tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế.
“Ngành ngân hàng luôn mong muốn giải quyết hết kiến nghị của DN và người dân. Song cũng mong người dân và DN chia sẻ, thấu hiểu là không phải cứ muốn giảm lãi suất là giảm mà phải giảm như thế nào để phù hợp với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Hiện lạm phát vẫn còn cao, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, nếu giảm được lãi suất thì NHNN sẽ giảm. Hiện mức lãi suất chưa như mong muốn nhưng đang trên đường tiếp tục giảm. Chúng tôi đã chỉ đạo chi nhánh NHNN địa phương phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào không vay được tiền cần làm rõ nguyên nhân vì sao không vay được để DN không bức xúc” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6051941a-taus-ial-maig-gnah-nagn-ihgn-neik-cut-peit-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www