Các bác sĩ cảnh báo chứng bệnh "nghèo kiểu mới" khi gia đình không gắn kết, thiếu không gian và sinh hoạt chung, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Dù mới học lớp 3, lớp 4 nhưng nhiều bạn nhỏ phải đi học tối ngày, cuối tuần lại tiếp tục có mặt ở các lớp học thêm tiếng Anh, vẽ...
Trẻ ốm vì học
Bé P.H.T. ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang học lớp 4, nhưng gia đình cho bé học thêm nhiều. Ngày nào bé cũng học hai buổi trên trường, sau đó còn đến nhà cô học thêm một tuần hai buổi. Những ngày không phải học, bé về nhà ăn uống, tắm rửa rồi học bài tiếp. Thứ bảy và chủ nhật, bé lại được chở đến học tại trung tâm tiếng Anh, rồi học vẽ, học đàn...
Bác sĩ Đinh Thạc, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định vui chơi là một hoạt động quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vui chơi giúp trẻ tự hoàn thiện bản thân, đặc biệt khi chơi những trò vui chơi vận động sẽ giúp trẻ phát triển thể chất tốt.
Thực tế đã chứng minh khi các bé được vận động, vui chơi bằng những hoạt động thể lực, có gắn kết và sự quan tâm của cha mẹ, trẻ sẽ lanh lợi, nhanh nhẹn và có sự ứng phó tinh tế. Đặc biệt, trẻ sẽ hào hứng với tất cả các công việc, nhất là việc học.
Trẻ em được vui chơi thường xuyên sẽ phát triển sức khỏe, tinh thần tốt, tính "đằm", không hay la hét, không bị rối loạn những hành vi và có sự chia sẻ với mọi người rất tốt.
Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, nhiều trẻ em chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, hết ở nhà lại đến trường. Trẻ phải học rất nhiều, không được tiếp xúc với những trò chơi yêu thích. Nếu quan sát sẽ thấy những trẻ này hay cáu gắt, dễ gây hấn với những người xung quanh.
Theo bác sĩ Thạc, các trò chơi thư giãn và vận động có sự phối hợp với nhiều người như chơi bóng, đánh cầu lông, chạy bộ, đạp xe với các bạn... là hoạt động mang lại lợi ích cho sức khỏe và phát huy được tính khéo léo, phối hợp đồng đội của trẻ. Những trẻ có sự khéo léo như vậy khi ra đời dễ thành công hơn. Vui chơi, vận động thường xuyên còn giúp trẻ sẽ có một cơ thể cân đối, hệ miễn dịch được kích hoạt nên ít bị ốm đau...
Từ khi trẻ vào mầm non đến khi học cấp I và cấp II, việc vui chơi giải trí nên được xem là hoạt động chủ đạo của trẻ. Đối với trẻ, cứ học 45 phút đến 1 giờ cần phải thư giãn, nghỉ giải lao trong 10 - 15 phút. Trong thời gian này, trẻ cần thư giãn cho mắt, ra ngoài trời chạy nhảy hoặc tập những bài tập đơn giản cùng với nhạc.
Trong khi đó, nếu để giờ học quá dài, đôi mắt trẻ quá căng thẳng, tập trung điều tiết dẫn đến nguy cơ suy yếu thị lực, lâu dần sẽ dẫn đến các tật khúc xạ và hệ thần kinh sẽ bị trơ.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy một ngày trẻ cần có 2-3 giờ vui chơi xen kẽ các hoạt động. Cần chia đều giờ vui chơi này trong các hoạt động của trẻ và tránh để trẻ bị lôi cuốn vào các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad...
Người lớn cần nghỉ ngơi hợp lý
Không chỉ với trẻ em, người lớn cũng cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi lành mạnh để hồi phục sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Thùy Châu, giảng viên bộ môn y học gia đình - Phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết hiện nay việc nhiều người trưởng thành cố gắng làm việc với cường độ cao kéo dài mà không cho phép cơ thể được nghỉ ngơi có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe.
"Làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi phù hợp có thể được hình dung như cỗ máy luôn cài đặt ở chế độ vận hành, không được bảo trì - bảo dưỡng. Hệ quả tích lũy theo thời gian của tình huống này là sức khỏe thể chất và tinh thần đều giảm sút" - bác sĩ Châu cho hay.
Theo bác sĩ Châu, những ảnh hưởng thể chất cơ bản dễ gặp nhất như giấc ngủ kém chất lượng - rối loạn giấc ngủ; hệ tim mạch hoạt động nhiều hơn - tăng huyết áp; hệ tiêu hóa hoạt động trì trệ - trào ngược, khó tiêu, táo bón; hệ cơ xương khớp bất động kéo dài - đau đầu căng cơ, đau lưng và vai gáy.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tinh thần do stress và các nguy cơ đi kèm thường thấy là thích ăn ngọt - đái tháo đường; ăn uống không kiểm soát và ít vận động - rối loạn lipid máu và thừa cân, béo phì; hay cáu gắt và mất thăng bằng - các mối quan hệ gia đình và xã hội kém chất lượng. Về lâu dài, những ảnh hưởng kể trên sẽ làm cho hệ miễn dịch yếu đi, con người nhanh chóng lão hóa và dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Châu đưa ra những gợi ý về "tiêu chí" nghỉ ngơi lành mạnh, bao gồm không gian thoáng sạch, ít tiếng ồn và gần với thiên nhiên, thời gian phù hợp với giờ sinh học của cơ thể, không quá thức khuya - dậy sớm hoặc ngủ nhiều ban ngày; ăn uống đa dạng, bổ sung nhiều rau củ quả - thực phẩm tự nhiên và hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá; hoạt động thể chất đa dạng phù hợp như tập thể dục - thể thao, đi dã ngoại, làm vườn, hoạt động nghệ thuật như khiêu vũ, nhảy múa, thời gian chia sẻ và kết nối với những người xung quanh.
Bác sĩ Thùy Châu cho biết lợi ích của việc nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp cải thiện những vấn đề thể chất và tinh thần hiệu quả hơn là chỉ dùng thuốc. Rất nhiều người bệnh khi áp dụng chế độ nghỉ ngơi và lối sống lành mạnh đã trở về được với giấc ngủ tốt hơn, huyết áp ổn định hơn, tiêu hóa tốt hơn, vai lưng bớt đau, tinh thần tích cực hơn và hệ miễn dịch được tăng cường. Với người trẻ chưa mắc bệnh, việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể tái tạo được năng lượng thân và tâm, và như thế hiệu quả công việc sẽ tích cực hơn.
Nghỉ ngơi lành mạnh không nhất thiết phải là một chuyến đi xa, mà có thể được thực hiện như một thói quen hằng ngày, trong đó vận động thể chất và tập trung vào hơi thở cũng là một kiểu "nghỉ ngơi". Làm việc 7-8 tiếng/ngày có thể xen kẽ những khoảng tạm dừng để tập vài động tác toàn thân, hít thở sâu và nhìn ra xa để thư giãn mắt; vẫn cần cố gắng dành khoảng 30 - 45 phút/ngày để tập một bài thể dục hoặc chơi thể thao.
Bên cạnh đó, có thể cho mình những thú vui - sở thích vận động mới lồng ghép vào những hoạt động thường ngày, giảm dần thời gian giải trí với sản phẩm công nghệ (điện thoại, máy tính...). Ngoài ra cần có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, giảm thiểu áp lực dồn vào "deadline", cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi lành mạnh vì cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Thể dục xanh, nghĩa là vận động trong thiên nhiên, có thể giúp tăng lợi ích của việc rèn luyện sức khỏe hơn.
Xem thêm: mth.16251522211503202-eohk-ed-iohc-iuv-naig-uht-pahp-ueil-oac-neyuhk-is-cab/nv.ertiout