Tham dự Họp báo còn có đại diện Lãnh đạo Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN, các Vụ, Cục thuộc NHNN, một số ngân hàng thương mại (NHTM) như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank, Agribank… và một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như: VnPay, EPay…
Lấy người dân làm trung tâm, tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số
Thông tin tại buổi họp báo, bà Hoàng Thanh Nhàn – Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810) của NHNN, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái số cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Bà Hoàng Thanh Nhàn – Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN nhấn mạnh, xác định người dân là trung tâm, các tiện ích, tiện lợi trong dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng là thước đo đánh giá hiệu quả chuyển đổi số, sau hai năm triển khai Quyết định 810, toàn ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong chuyển đổi số. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đã được cung cấp cho người dân, các loại hình dịch vụ cung cấp trên môi trường số ngày càng đa dạng, tiện ích. Từ NHNN đến các TCTD trong và ngoài nước đều đã đạt được thành công trên nhiều mặt, từ kiến tạo thể chế đến nâng cấp hạ tầng, công nghệ, cung cấp dịch vụ hiện đại đến tăng cường công tác an ninh, bảo mật.
Bên cạnh đó, các hệ thống thanh toán quan trọng tại Việt Nam hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, thân thiện được cung ứng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Những thành quả có thể nhìn thấy được như: Năm 2022, thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; hơn 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa....; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, năm 2020, NHNN xếp loại A về công tác bảo đảm an toàn thông tin, xếp thứ nhất về kiến tạo thể chế và xếp thứ hai trong số các Bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số (DTI); năm 2021, NHNN xếp thứ nhất về công tác bảo đảm an toàn thông tin, xếp thứ hai về kiến tạo thể chế và xếp thứ tư về chỉ số DTI.
2023 sẽ tập trung kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Trao đổi tại buổi họp báo, bà Nhàn cho biết, tại Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay, Thống đốc NHNN đã lựa chọn Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng là một trong những Ngành đi tiên phong triển khai Đề án 06.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu
Ông Đoàn Thanh Hải – Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an (cơ quan đầu mối). Cụ thể, NHNN đã hoàn thành rà soát, ban hành, sửa đổi các thủ tục hành chính không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại NHNN. NHNN cũng là một trong số ít các Bộ, ngành đã hoàn thành công tác kết nối, bảo đảm an toàn thông tin để khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ năm 2022 (cho dịch vụ công của NHNN), Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng.
Về phía các TCTD, một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… đã phối hợp với C06 – Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ. Kết quả giai đoạn thử nghiệm đã được người dân đón nhận tích cực vì sự tiện lợi và an toàn khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Là một trong những ngân hàng tham gia triển lãm, đại diện VietinBank cho biết, đến với sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, VietinBank lựa chọn chủ đề “Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chuyển đổi số và làm sạch dữ liệu, thúc đẩy tài chính toàn diện”. Lý giải việc lựa chọn chủ đề làm sạch dữ liệu, đại diện ngân hàng này chia sẻ, thực tế đã có câu chuyện phát sinh là giả mạo dữ liệu hoặc dữ liệu không được làm sạch từ đầu, việc kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát được việc làm sạch dữ liệu từ đầu. Ngoài ra, kết hợp với công nghệ sinh trắc học như FaceID, nhận diện giọng nói… có thể đảm bảo tính chính chủ của chủ tài khoản.
Là đơn vị trung gian thanh toán lần đầu tiên tham gia sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đại diện Epay chia sẻ, Epay là một trong các đơn vị được cấp giấy phép về cung cấp dịch vụ xác thực của C06 (Bộ Công an), Epay sẽ mang tới Triển lãm năm nay một số sản phẩm như ứng dụng sinh trắc học của căn cước công dân gắn chip vào thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giao thông (hàng không và đường bộ), ngân hàng. Riêng lĩnh vực ngân hàng, sẽ có các công nghệ như xác thực định danh khách hàng tại quầy giao dịch bằng thiết bị chuyên dụng, xác thực định danh khách hàng trực tuyến bằng thiết bị di động của khách hàng đầu cuối để thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử và ngân hàng số.
* Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 18/5/2023 tại Khách sạn JW Marriott Hanoi gồm: Hội nghị chuyên đề: Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Triển lãm trưng bày mô phỏng các sản phẩm dịch vụ nổi bật, tiêu biểu trong chuyển đổi số của các ngân hàng và một số tổ chức trung gian thanh toán.
Ngoài điểm nhấn sân khấu và gian hàng hoàn toàn thiết kế 3D, năm 2023 lần đầu tiên NHNN trao tặng Bằng khen ghi nhận những tổ chức, cá nhân đã đóng góp tích cực, quan trọng trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Qua nội dung, hình thức triển khai với nhiều điểm mới, sân khấu, gian hàng đầu tư công phu, kĩ thuật hiện đại, sự kiện năm nay sẽ đem đến cho khách tham quan một cái nhìn toàn cảnh về thành quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Hà My - Ảnh: MT
Xem thêm: 820965VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www