vĐồng tin tức tài chính 365

Tháo điểm nghẽn, tạo cú hích mới để TP.HCM bứt phá

2023-05-13 07:10

Đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?

Chiều 12.5, tại phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết) dự kiến trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp 5, khai mạc 22.5 tới.

Tháo điểm nghẽn, tạo cú hích mới để TP.HCM bứt phá - Ảnh 1.

TP.HCM cần nhiều chính sách đặc thù để phát triển đột phá

Ngọc Dương

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình ra dày tới 800 trang, đề xuất hơn 40 chính sách thuộc 7 lĩnh vực, gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và TN-MT; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý KH-CN đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, ngoài các chính sách kế thừa Nghị quyết 54 năm 2017 (cũng về chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), Chính phủ đề xuất 27 chính sách mới, khác luật, hoặc chưa được quy định trong luật để phát triển TP.HCM.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, hồ sơ cơ bản đủ điều kiện trình QH tại kỳ họp 5 sắp tới. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá phạm vi chính sách được đề xuất khá rộng, trên nhiều lĩnh vực, đồng thời chứa đựng nhiều quy định khác với luật pháp hiện hành. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể.

Về các chính sách được đề xuất, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với phần lớn các chính sách mà Chính phủ và TP.HCM đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, tạo cơ chế, chính sách vượt trội giúp TP.HCM có bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, theo bà Mai,

cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ: "Với phạm vi chính sách như đề xuất đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật, đang cản trở tiến trình phát triển của TP hay chưa? Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng. Do vậy, đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống".

Bà Mai cũng nhấn mạnh cơ quan thẩm tra của QH đề nghị cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, TP.HCM nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

"Một số quy định còn rập khuôn như các địa phương khác (chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược…), trong khi đó có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ, tương xứng với quy mô, vị thế của TP", bà Mai nêu.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng trước đây đã làm các nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù cho nhiều địa phương, nhưng số lượng chính sách do chính địa phương đề xuất đều "hẻo quá". "Riêng nghị quyết cho TP.HCM là rất dày dặn, khá toàn diện, hy vọng sẽ tạo ra được những cú hích và những đột phá", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Chính sách phải xứng tầm, thực sự vượt trội

Tại phiên họp, cơ quan thẩm tra cũng như thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng dành nhiều thời gian góp ý vào các chính sách cụ thể được đề xuất. Phần lớn các ý kiến đều muốn các chính sách đặc thù cho TP.HCM phải "xứng tầm", thực sự vượt trội, để đạt mục tiêu là tạo động lực, cú hích mới cho TP.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) - là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội… Tuy nhiên, theo dự thảo thì TP chỉ được thực hiện trên địa bàn nhất định là vùng phụ cận nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. Theo bà Mai, quy định này có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, áp dụng chính sách này chung cho cả TP có quy mô tương xứng, đột phá và tạo thế chủ động cho TP trong thực hiện.

Tương tự, một chính sách thí điểm khác thuộc nhóm chính sách về đầu tư được đề xuất là đề nghị cho phép TP.HCM áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa (vốn không được quy định trong luật PPP). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và cả Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đều đề xuất có thể mở rộng phạm vi áp dụng cho toàn bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, KH-CN. Đồng thời giao cho HĐND TP quyết định quy mô vốn cụ thể trên cơ sở nhu cầu các dự án cần xã hội hóa để tạo sự linh hoạt.

Một vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm là các đề xuất thí điểm phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy cho TP.HCM và TP.Thủ Đức. Với các đề xuất này, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Cùng đó, cơ quan thẩm tra cho rằng với nhiều nhiệm vụ vốn giao cho HĐND, UBND nay đề xuất phân cấp thì để triển khai cần khá nhiều văn bản hướng dẫn về quyền hạn, quy trình, thủ tục. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định rõ những công việc cần triển khai, giao trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng ban hành xong Nghị quyết nhưng thiếu căn cứ, dẫn đến không thể vận hành.

Đối với đề nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm thuộc UBND TP.HCM, bà Mai cho biết việc thành lập cơ quan này làm tăng đầu mối, không đúng tinh thần nghị quyết của T.Ư Đảng, do đó phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Góp ý thêm, Chủ tịch QH cho rằng việc thành lập Sở An toàn thực phẩm không giống thành lập một số sở khác vì khi thành lập thì lại giao một số chức năng, nhiệm vụ cho sở này khác với luật hiện hành. "Đến giờ này rồi cũng không nên làm khó TP và Chính phủ nữa, việc này Đảng đoàn QH sẽ báo cáo với Bộ Chính trị", Chủ tịch QH nói.

Một vấn đề khác là quy định tại điều khoản thi hành việc TP trình QH thí điểm các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hoạt động theo mô hình liên đoàn hợp tác xã. Theo bà Lưu Mai, cơ quan thẩm tra cho rằng việc này cần phải cân nhắc vì có thể dẫn đến xung đột pháp luật, vướng mắc khi triển khai. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hay phát triển Saigon Co.op đã được quy định tại các nghị quyết của Bộ Chính trị. Do đó, TP, Chính phủ cứ nghiên cứu làm, không cần phải đưa vào dự thảo Nghị quyết. Trường hợp có vấn đề liên quan tới thẩm quyền mới trình Quốc hội.

Báo cáo cuối phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc tất cả các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình QH. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP cũng đã có chuẩn bị chương trình, kế hoạch hành động cũng như củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực để triển khai khi Nghị quyết được QH thông qua.

Xem thêm: mth.318033100315032581-ahp-tub-mchpt-ed-iom-hcih-uc-oat-nehgn-meid-oaht/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tháo điểm nghẽn, tạo cú hích mới để TP.HCM bứt phá”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools