Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết sau khi tiếp thu ý kiến từ phiên họp hồi tháng 4, ông nhận thấy cần điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính nhằm phản ánh chính xác phạm vi, bản chất đối tượng điều chỉnh.
Cùng với đó, hồ sơ dự thảo luật đã được điều chỉnh cơ bản ở bốn nhóm vấn đề, thay đổi khoảng 60% so với hồ sơ cũ. Đồng thời đã thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành hai dạng giới nam và nữ.
Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, hồ sơ đề nghị xây dựng luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ hai lần xuống chỉ còn một lần trong cuộc đời.
"Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành", ông Trí nói.
Theo dự thảo mới nhất, công dân bắt buộc (thay vì có quyền lựa chọn) thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.
Đồng thời quy định việc cơ sở khám chữa bệnh thành lập hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Trong đó, cơ sở này có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân.
Thẩm tra nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính. Đồng thời cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.
Về quy định công nhận giới tính mới áp dụng với các trường hợp đã phẫu thuật, Ủy ban Pháp luật cho rằng ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hormone hoặc có mức độ can thiệp y học khác.
Do đó đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính...
* Người đẹp Bùi Đình Hoài Sa (đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2020):
Đã xác định chuyển giới thì phải chắc chắn 100%
Tôi đã chuyển giới cách đây bảy năm và phẫu thuật xong xuôi, nhưng tôi chưa đổi giới tính trên giấy tờ mà chỉ đổi tên thành Bùi Đình Hoài Sa. Giới tính vẫn ghi là nam. Điều này khiến tôi gặp khó khăn về pháp lý, chẳng hạn như không thể đăng ký kết hôn với một người nam được.
Về việc dự thảo luật hướng đến quy định giảm số lần thay đổi giới tính từ hai lần xuống còn một lần duy nhất trong đời, tôi rất ủng hộ. Tôi mong các bạn khi đã xác định là người chuyển giới thì phải chắc chắn 100%. Họ cần có trách nhiệm với việc chuyển đổi giới tính.
Bởi nhiều bạn trẻ vẫn còn chưa chín chắn trong việc quyết định mình là người chuyển giới. Nếu mình không quy định sát sao, chắc chắn thì xã hội dễ bị xáo trộn, một người cứ đổi tới đổi lui thì cũng không hay. Nếu luật thay đổi rõ ràng như vậy cho người chuyển giới và có cơ sở thăm khám, can thiệp, phẫu thuật... thì rất tốt.
Việc nghiên cứu quy định cho những người sử dụng hormone được thay đổi giới tính trong giấy tờ, theo tôi cũng rất hay. Bởi có những người không đủ tiền bạc và điều kiện để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhưng họ vẫn mong muốn sống với giới tính thật. Nếu luật thay đổi theo hướng cụ thể này thì sẽ rất có lợi cho người chuyển giới về mặt pháp lý, để họ thuận tiện hơn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng như bảo vệ cho những nhu cầu của họ khi liên quan đến pháp luật.
MI LY ghi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến việc đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 5.
Xem thêm: mth.66443719031503202-nahn-auht-coun-ahn-coud-oan-ioig-neyuhc-iougn/nv.ertiout