Sáng 14.5, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức hương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được vận hành từ tháng 10.2022 đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Cụ thể, người dân khi làm thủ tục hành chính trực tuyến thì các thông tin sẽ được lưu giữ nên chỉ cần nộp một lần, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ; các cơ quan dân cử giám sát được tính công khai, minh bạch.
Trước đây, các sở, ngành, địa phương sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến riêng lẻ thì nay được làm tập trung. Song song đó, TP.HCM cũng tái cấu trúc thủ tục hành chính, liên thông hồ sơ để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Trước phản ánh của người dân về một số trục trặc khi sử dụng hệ thống, ông Lâm Đình Thắng cho biết có 4 nhóm nguyên nhân: phần mềm, kết nối hệ thống của TP.HCM với hệ thống của bộ ngành, đường truyền và thiết bị người sử dụng chưa tương thích, và do người sử dụng.
Giải pháp nào bảo vệ thông tin cá nhân?
Liên quan đến lo ngại dữ liệu thông tin cá nhân bị lộ lọt, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM được kết nối với hệ thống xác thực, định danh điện tử quốc gia nên người dân an tâm vì an toàn bảo mật cao.
Lý giải việc lộ lọt thông tin cá nhân, ông Thắng nêu 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số dịch vụ của nhà nước, doanh nghiệp cung cấp tiện ích cho người dân không đảm bảo yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin. Thứ 2 là người dân cung cấp thông tin của mình cho các nền tảng trực tuyến, nhất là trên mạng xã hội.
Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM nêu 2 nhóm giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này. Thứ nhất là yêu cầu các cơ quan nhà nước tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân, khi cung cấp cho bên thứ 3 phải đảm bảo quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin vừa đủ.
Đồng thời, Sở TT-TT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng thông tin của người dân. "Hiện sở đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về sim số, lưu trữ bảo vệ thông tin cá nhân", ông Thắng nói thêm.
Bên cạnh đó, Sở TT-TT cũng sẽ phối hợp với địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân để tránh lộ lọt thông tin trên mạng.
Trước đó, Báo Thanh Niên có nhiều loạt bài phản ánh về tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân rầm rộ trên mạng xã hội. Các thông tin về số điện thoại, nghề nghiệp, thu nhập, nơi ở… được rao bán công khai với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Hệ lụy của tình trạng này rất lớn, người dân bị các cuộc gọi "rác" làm phiền, thậm chí bị lừa đảo bởi những cuộc gọi báo người thân bị tai nạn phải đi cấp cứu và yêu cầu chuyển tiền gấp.
Cũng tại chương trình, cử tri nêu bức xúc khi thanh toán học phí không dùng tiền mặt phải trả thêm phí giao dịch, cũng như nhiều nhà trường gây khó dễ khi phụ huynh thanh toán bằng tiền mặt.
Trả lời, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trung gian giao dịch thanh toán điện tử để thống nhất phương thức, minh bạch chi phí phát sinh. Mặt khác, ngành giáo dục cũng yêu cầu nhà trường phải chấp nhận thanh toán tiền mặt để tạo thuận lợi cho các trường hợp chưa có điều kiện thanh toán không tiền mặt.