Học sinh tìm hiểu di sản kiến trúc của thành phố
Tại vòng chung kết Giải Lê Quý Đôn, học sinh được trải nghiệm bốn góc chủ đề về TP.HCM: Lịch sử, Địa lý, Di sản và Cộng đồng.
Ông Lê Duy Tân, trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ban tổ chức đã chuẩn bị từ nhiều tháng để mang đến những trải nghiệm thú vị cho các thí sinh.
Thưởng thức tàu hũ, ngon ơi là ngon
Gia Nghi (lớp 8 Trường Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp) là một trong những học sinh đầu tiên được đến Góc cộng đồng. Cách bài trí tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đường phố Sài Gòn tại đây khiến bạn vô cùng ấn tượng.
Gia Nghi có thể bắt gặp những hình ảnh thân quen như quán cà phê, đường sách, tiệm ăn vỉa hè...
Các bạn học sinh thưởng thức tàu hũ tại Góc cộng đồng
Được tặng phiếu thưởng thức những món ăn dân dã, bạn liền chọn món tàu hũ. "Phải nói là tàu hũ ở đây rất ngon và mang hương vị đặc trưng, không khác gì khi mình thưởng thức ngoài đường phố", Gia Nghi bày tỏ.
Hai bạn Khánh Chi (trái) và Minh Châu (học sinh lớp 8 Trường THCS Hermann Gmeiner, Bến Tre) tại khu vực tái hiện Đường sách TP.HCM
Thêm tự hào về thành phố
Khác với Gia Nghi, Tú Trinh (lớp 9 Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè) lại tỏ ra hào hứng với những kiến thức về TP.HCM được thầy cô và ban tổ chức giới thiệu bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ở Góc địa lý, Trinh và các bạn tìm hiểu về các địa danh Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Tân Bình… bằng trò chơi nhìn hình đoán địa danh.
Còn với trò chơi "Tìm nhà thông thái", các bạn được tìm hiểu về địa hình, hệ thống kênh rạch, sông ngòi, kinh tế xã hội… của TP.HCM.
Ở Góc lịch sử, các bạn được cung cấp thông tin về Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM xưa và nay.
"Mình được mở mang rất nhiều kiến thức bổ ích. Mình cảm thấy tự hào khi thành phố trải qua lịch sử lâu đời vẫn gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng, những công trình kiến trúc độc đáo", Tú Trinh cho biết thêm.
Không gian rộn ràng nhất chính là Góc di sản. Bởi ở đó, các bạn không chỉ được ngắm nhìn các di sản kiến trúc là những ngôi trường nổi tiếng ở TP.HCM mà còn được tham gia các trò chơi dân gian như nhảy dây, chơi ô ăn quan, bịt mắt đập trống…
Nhóm học sinh hào hứng chơi ô ăn quan
"Lần trước em có đi thi Giải Lê Quý Đôn rồi. Lúc đó chỉ vào phòng thi làm bài thôi. Còn bây giờ em được tham quan, trải nghiệm, giao lưu cùng các bạn. Em rất bất ngờ và cảm thấy thoải mái trước khi làm bài.
Khi chơi trò chơi dân gian, em có cảm xúc như mình được trở về với tuổi thơ", Trúc Đan (lớp 7 Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, quận 5) bày tỏ.
Cách ra đề thú vị của Giải Lê Quý Đôn
Chăm chú làm bài
Sau khi trải nghiệm bốn góc chủ đề, các bạn làm bài dự thi ba môn toán - văn - tiếng Anh. Điều thú vị là thay vì làm bài trong giấy thi, các bạn thực hiện một quyển sách mang tên "Thành phố tôi yêu" cho riêng mình. Học sinh có dịp bộc lộ cảm xúc, thể hiện hiểu biết của bản thân về TP cũng như khả năng sáng tạo trong cách vận dụng kiến thức, trình bày bài làm…
Không chỉ đơn thuần là sân chơi học tập, Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ còn là nơi để học sinh có những trải nghiệm quý báu, sáng tạo khi tham gia kỳ thi chung kết. Những trải nghiệm này gắn liền đời sống hằng ngày, sẽ giúp các bạn nhạy bén hơn trong việc giải quyết, xử lý vấn đề.
Giải Lê Quý Đôn do Sở GD-ĐT TP.HCM và ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ (báo Tuổi Trẻ) phối hợp tổ chức. Năm học 2022 - 2023, Giải Lê Quý Đôn thu hút 289.110 bài dự thi đến từ 89 trường THCS trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh.
Ban giám khảo đã chọn ra 545 bạn (trong đó có 28 bạn ở tỉnh) tham gia đều kỳ, đạt điểm số cao để tham dự vòng thi chung kết sáng 14-5 tại Trường THCS Minh Đức (quận 1).
TTO - Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng TP.HCM năm nay có hai anh em cùng đoạt giải thưởng. Trong đó, người anh đoạt giải thủ khoa và người em đoạt giải khuyến khích.
Xem thêm: mth.7843646141503202-nod-yuq-el-iaig-auq-mch-pt-ahp-mahk-ort-coh/nv.ertiout