Theo Reuters, ngày 2/5 vừa qua, hãng hàng không giá rẻ Go First (thuộc sở hữu của Tập đoàn Wadia) tại Ấn Độ đã đệ đơn xin phá sản. Lý do hãng này đưa ra là động cơ máy bay của hãng Pratt & Whitney mà họ sử dụng bị lỗi, khiến khoảng một nửa đội bay phải ngừng hoạt động.
Động thái trên đánh dấu sự sụp đổ của một hãng hàng không lớn đầu tiên ở Ấn Độ kể từ khi Jet Airways nộp đơn xin phá sản vào năm 2019, đồng thời cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng không tại đất nước Nam Á này.
Trong hồ sơ phá sản gửi lên tòa án, Go First cho biết tổng nợ của hãng với các chủ nợ tài chính là 65,21 tỷ rupee (tương đương 798 triệu USD) tính đến ngày 28/4.
Go First đã không thanh toán được cho các chủ nợ hoạt động, bao gồm 12,02 tỷ rupee (khoảng 149 triệu USD) cho các nhà cung cấp và 26,60 tỷ rupee (tương đương 325 triệu USD) cho bên cho thuê máy bay.
Trong một tuyên bố, Go First nói rằng việc đệ đơn phá sản diễn ra sau khi Pratt & Whitney - nhà cung cấp động cơ độc quyền cho đội máy bay Airbus A320neo của họ, không tuân thủ yêu cầu cho thuê động cơ dự phòng để hãng bay hoạt động bình thường trở lại.
Hãng hàng không cho biết số máy bay phải "nằm đất" do "động cơ bị lỗi của Pratt & Whitney" đã tăng từ 7% vào tháng 12/2019 lên 50% vào tháng 12/2022, khiến hãng thiệt hại 108 tỷ rupee (khoảng 1,32 tỷ USD) doanh thu và các chi phí bổ sung.
Về phần mình, Pratt & Whitney cho biết trong một tuyên bố với tờ Reuters rằng họ "cam kết mang lại thành công cho các khách hàng là hãng hàng không và tiếp tục ưu tiên lịch giao hàng cho tất cả khách hàng". "Chúng tôi vẫn tuân thủ phán quyết của trọng tài vào tháng 3 liên quan đến Go First. Vì đây hiện là vấn đề kiện tụng nên chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm", công ty cho biết.
Trước đó, vào tháng 2, ông chủ của Raytheon Technologies - công ty sở hữu Pratt & Whitney, thừa nhận rằng các động cơ GTF của họ có vấn đề về độ tin cậy. Ngoài ra, truyền thông Ấn Độ đưa tin Pratt & Whitney cũng đã chịu ảnh hưởng bởi áp lực chuỗi cung ứng trong toàn ngành.
Trên trang web của Go First, hãng đã hủy các chuyến bay dự kiến từ ngày 3/5 đến ngày 5/5 vì "lý do hoạt động".
Liên quan đến vụ phá sản của Go First, ông Jyotiraditya Scindia - Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ - cho biết trong một tuyên bố: "Chính phủ Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Go First bằng mọi cách có thể. Vấn đề cũng đã được đưa ra với các bên liên quan".
Sự sụp đổ của hãng có thể thúc đẩy các hãng hàng không đối thủ khi ngành này đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng vọt sau đại dịch.
Jinesh Joshi - nhà phân tích nghiên cứu của tổ chức dịch vụ tài chính Prabhudas Lilladher, nhận định: "Sự gián đoạn đột ngột trong hoạt động của Go First có thể sẽ mang lại lợi ích cho những người chơi khác và làm tăng giá vé máy bay do hạn chế về nguồn cung".
Theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan quản lý hàng không Ấn Độ, các vấn đề của Go First khiến công ty này phải trì hoãn kế hoạch IPO trị giá 440 triệu USD vào năm 2021, dẫn đến việc thị phần bị giảm xuống còn 6,9% vào tháng 3 so với mức 8,4% vào tháng 1.
Tập đoàn Wadia đã được báo cáo là đang đàm phán để bán phần lớn hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại Go First.
Việc Go First phá sản đã khiến không ít bên bất ngờ. 2 nhân viên ngân hàng cho Go First vay tiền nói rằng cấp trên của họ đã gặp ban quản lý của hãng cách đây vài tuần nhưng không đưa ra thông tin gì.
Trong khi đó, 3 phi công giấu tên của hãng bay giá rẻ này nói rằng họ không hề biết việc công ty ngừng hoạt động cho đến khi đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông địa phương. Họ cho biết đã nhận lương chậm trong vài tháng qua. Trong một email gửi nhân viên, Go First viết: "Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ tất cả các bạn trong thời gian khó khăn này".