Trên thị trường TP.HCM gần đây xuất hiện sầu riêng Thái Lan trái nhỏ khoảng 1kg. Nhiều người bán quảng cáo đây là "Đệ nhất sầu riêng Thái Lan". Trên cuống có dán chữ "Fumani Thailand", giá bán 180.000 đồng/kg được nhiều khách hàng chọn mua. Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 của Việt Nam hiện có giá 80.000-110.000 đồng/kg.
Ông H, chủ một điểm bán (quận Tân Bình) cho biết, năm ngoái sầu riêng Fumani chưa qua Việt Nam nên năm nay mới nhập bán.
Theo ông H, sau khi đặt hàng chỉ mất hai ngày hàng về tới Việt Nam. Sầu riêng fumani đi bằng đường thủy nên giá không cao so với nhập bằng đường hàng không.
Sầu riêng Thái Lan giá 180.000 đồng/kg đang đứt lứa. ẢNH: TÚ UYÊN |
“Mỗi ngày điểm bán của tôi được giao một thùng 50kg/30 trái nhưng chỉ có vài trái chín mới đem đi bán. Hơn một tháng nay bán cả Ri 6 và sầu riêng Fumami nhận thấy người tiêu dùng Việt vẫn chọn mua hàng Thái nhiều dù giá cao hơn sầu riêng Ri6”- ông H kể.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, sầu riêng đang rộ mùa và tình hình xuất khẩu đi Trung Quốc rất thuận lợi. Hiện mỗi ngày hợp tác xã bán 1-2 container sầu riêng cho khách hàng Trung Quốc.
Theo ông Lộc, mặc dù có sự xuất sầu riêng Thái Lan ở thị trường Trung Quốc cũng rất cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, giá thu mua sầu riêng xô tại vườn cho bà con từ 50.000-57.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giá năm nay tốt hơn, chênh lệch 15.000 đồng/kg.
Theo ông Lộc, hiện giá sầu riêng tại vựa hơn 70.000 đồng/kg, tính chi phí vận chuyển lên thành phố, hao hụt…các điểm bán giá hơn 100.000 đồng/kg là hợp lý.
Sầu riêng Việt Nam đang vào mùa tại vườn 50.000-57.000 đồng/kg giá tốt hơn so với cùng kỳ năm 2022. ẢNH: TÚ UYÊN |
Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong ba tháng đầu năm 2023 Việt Nam là thị trường cung cấp chín loại quả gồm chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 376,3 ngàn tấn, trị giá 342,3 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, mỗi năm quốc gia này chi khoảng 4 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng.
Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý I-2023 nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 91,4 ngàn tấn, trị giá 506,8 triệu USD, tăng 154,3% về lượng và tăng 124,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, hiện nay Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ sản lượng đã tăng lên khoảng 1 triệu tấn, thu hoạch gần như quanh năm trong khi Thái Lan chỉ thu hoạch theo mùa.
Bên cạnh đó, quãng đường vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngắn hơn giúp sầu riêng Việt Nam tươi ngon;chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, vào tháng 6 sầu riêng tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sẽ thu hoạch vụ đầu tiên nên sầu riêng Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn.
Thái Lan thúc đẩy xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn
Điểm tin thị trường Thái Lan cuối tháng 4 của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức đoàn khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn nhằm thúc đẩy việc thông quan trái cây xuất khẩu nước này trong mùa cao điểm từ tháng 4-8/2023 thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và ga tàu hỏa Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Đây là hai điểm trung chuyển quan trọng tới cửa khẩu Quan (Youji Guan) của Trung Quốc.
Cửa khẩu Đồng Đăng là điểm kết nối với cửa khẩu Pingxiang cách Hà Nội 171 km và Hữu Nghị 1km. Hàng ngày có khoảng năm chuyến tàu hỏa xuất khẩu hàng sang/từ Trung Quốc.
Mùa trái cây năm 2022, khoảng 10-20 container sầu riêng được vận chuyển hàng ngày thông qua tuyến tàu hỏa trên tới Trung Quốc.