Trong chương trình này, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp lĩnh vực phân phối, thương mại, logistic... tổ chức 260 điểm bán theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Trong đó, các địa bàn có nhiều điểm bán lưu động nhất là Bình Thạnh (41 điểm), Thủ Đức (32 điểm), Bình Chánh (25 điểm), Hóc Môn (24 điểm), Tân Bình (19 điểm)...với 109 tấn hàng hóa và 110.700 quả trứng.
Hai đơn vị là Viettel Post đã tổ chức 340 điểm bán, tiêu thụ 256 tấn hàng hoá và Việt Nam Post tổ chức 198 điểm bán, tiêu thụ 50 tấn và 10.000 quả trứng.
Người dân mua thực phẩm tươi sống tại 1 điểm bán hàng lưu động do Aeon Việt Nam tổ chức
Riêng trong ngày 22-7, đã có 77 điểm bán lưu động được tổ chức và bán 19 tấn thực phẩm các loại , 14.000 quả trứng cho người dân các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Tổng cộng, có 415 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô... ) và 120.700 quả trứng gia cầm đã được cung cấp cho người dân TP HCM trong 12 ngày qua thông chương trình này.
Theo Sở Công Thương TP HCM, 798 điểm bán lưu động trên đã kịp thời bổ sung kênh mua sắm hàng hoá, nhất là thực phẩm tươi sống, cho người dân TP HCM và chia sẻ áp lực quá tải với các siêu thị, cửa hàng trong bối cảnh kênh mua sắm truyền thống tại các chợ bị đứt gãy, cả 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống đã phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch.
Hiện việc cung cấp hàng hoá lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân TP HCM phụ thuộc vào 106 siêu thị, 2.469 cửa hàng tiện lợi, 28.700 cửa hàng - cửa hiệu có bán lương thực thực phẩm, 32 chợ truyền thống và gần 800 điểm bán hàng lưu động này.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP HCM còn phối hợp với doanh nghiệp sử dụng xe buýt chuyển đổi công năng thành điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân TP. Do dịch bệnh Covid-19, các tuyến xe buýt phải ngưng hoạt động vận chuyển hành khách để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Để bảo đảm cung cấp hàng hóa cho thị trường TP HCM ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hằng ngày của người dân, Sở Công Thương TP đang phối hợp cùng các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các phương án mở lại chợ truyền thống (điều kiện là bảo đảm an toàn phòng chống dịch) hoặc bố trí địa điểm phù hợp (nếu chợ chưa bảo đảm an toàn) để tiểu thương ngành hàng rau củ quả, thịt, cá... quay lại hoạt động; khuyến khích tiểu thương bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, zalo để cung cấp hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng lưu động, phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn tổ chức bán thực phẩm online, đẩy mạnh hoạt động bán hàng online tại các siêu thị, cửa hàng....