vĐồng tin tức tài chính 365

Nguy cơ thiếu điện, giải quyết ra sao?

2023-05-16 09:53
Nhằm tiết kiệm điện, một hộ dân ở quận 3 (TP.HCM) chuyển sang dùng bóng đèn LED - Ảnh: MINH ANH

Nhằm tiết kiệm điện, một hộ dân ở quận 3 (TP.HCM) chuyển sang dùng bóng đèn LED - Ảnh: MINH ANH

Theo khuyến cáo của ngành điện lực cũng như các chuyên gia, ứng phó với nguy cơ thiếu điện không chỉ là việc sử dụng điện hiệu quả mà cần chủ động trong thực hành tiết kiệm điện.

Hóa đơn tiền điện tăng theo nắng nóng

Nhà có người già và trẻ nhỏ, nếu chỉ sử dụng quạt sẽ không thể "chống chịu" được với thời tiết khắc nghiệt lên tới gần 40oC, chưa kể không khí thêm oi bức. Do đó chị D.T.Hương (Ba Đình, Hà Nội) buộc phải tăng cường thêm ba máy điều hòa ở các phòng.

Lượng điện tiêu thụ của gia đình chị đã tăng gần gấp đôi so với mức tiêu thụ bình thường khoảng 15 - 17 kWh/ngày. Và với giá điện bán lẻ đã tăng trước đó, hóa đơn tiền điện của nhà chị Hương cũng tăng theo.

"Rất may chỉ có vài ngày nắng nóng kỷ lục, rồi thời tiết đã dịu mát hơn nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát cũng giảm mạnh.

Tuy vậy, chúng tôi lo ngại vào mùa nắng nóng năm nay dự báo sẽ nóng hơn rất nhiều, các cháu ở nhà vào mùa hè nên việc sử dụng thiết bị làm mát sẽ nhiều hơn", chị Hương bày tỏ.

Từ đầu tuần này, miền Bắc và miền Trung được dự báo nắng nóng gay gắt trở lại nên nhà ông N.T.Hưng (Thanh Hóa) cũng sắm thêm một số thiết bị làm mát, dù chi phí tiền điện được dự báo sẽ tăng cao.

Để tiết kiệm điện cũng như tránh những sự cố điện có thể xảy ra, ông Hưng chọn mua các thiết bị có dán nhãn năng lượng, tiết kiệm điện và thay mới thêm một số thiết bị để giảm tác động khi có sự cố xảy ra...

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, do nhu cầu điện tại các đô thị lớn như Hà Nội ở mức cao, nhất là cao điểm hè này, cùng với việc tăng cường tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm điện, doanh nghiệp này đẩy mạnh thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải với các khách hàng lớn sử dụng điện (DR) để giảm thiểu tiêu thụ điện vào thời gian cao điểm.

Trời nắng nóng, người dân lắp đặt máy lạnh nên lượng tiêu thụ điệntăng cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Trời nắng nóng, người dân lắp đặt máy lạnh nên lượng tiêu thụ điệntăng cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Doanh nghiệp điều chỉnh để tiết kiệm điện

Là một trong những doanh nghiệp lớn về sản xuất máy biến áp tại Đan Phượng (Hà Nội), ông Trần Văn Nam - giám đốc Công ty cổ phần thiết bị điện MBT - cho biết đã tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải để chủ động giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng trong quá trình sản xuất khi có tình huống đặc biệt gây gián đoạn cung cấp điện.

Việc sử dụng điện được điều chỉnh một cách chủ động, tránh những giờ cao điểm nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.

Nhà máy sản xuất chuyển từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, đảm bảo bù lại thời gian gián đoạn, cùng với việc hình thành thói quen tiết kiệm điện cho nhân viên đã giúp chi phí tiền điện của công ty giảm 40% so với trước khi tham gia.

Với lượng điện tiêu thụ gần 40 triệu kWh mỗi năm, đại diện Trung tâm thương mại Lotte Center cho biết đơn vị này đã ký kết tham gia chương trình DR và thực hiện cắt giảm 5 - 7% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm.

Doanh nghiệp này cũng sử dụng hệ thống giám sát và quản lý năng lượng hiện đại tới mỗi bộ phận, thiết bị điện, cho phép phát hiện kịp thời những bất thường trong việc tiêu thụ điện.

Để thúc đẩy tiết kiệm điện và sử dụng hiệu quả trong mùa nắng nóng, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cũng như các địa phương về việc tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện.

Trong đó, EVN đề nghị bộ kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch tiết kiệm điện, giao chỉ tiêu tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng với các nhóm khách hàng sử dụng ngân sách, kêu gọi toàn dân sử dụng điện tiết kiệm...

EVN cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông về việc cung ứng điện khó khăn để người dân, doanh nghiệp chia sẻ, tăng cường tiết kiệm điện; thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải điện cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, bệnh viện, trường học, đơn vị chiếu sáng công cộng; nhà hàng khách sạn; các khách hàng có lượng điện tiêu thụ lớn và hộ sinh hoạt...

Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra yêu cầu tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, thực hiện tiết kiệm điện.

"Bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện, lãnh đạo bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn", ông Diên nhấn mạnh.

Linh hoạt các nguồn cung ứng điện

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-5, ông Lê Đặng Xuân Tân - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam - cho biết thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu ở khu vực phía Nam đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện giờ cao điểm.

Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và nguồn điện huy động riêng trong tháng 4 hơn 2.000MW.

Theo ông Tân, sở dĩ các nhà máy chạy dầu phải hoạt động cung ứng điện do mực nước ở các nhà máy thủy điện năm nay xuống thấp so với mọi năm.

Với nguồn năng lượng tái tạo, theo ông Tân, điện mặt trời phát lên lưới nhiều vào khung giờ 9h-15h theo năng lượng bức xạ và ràng buộc đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải 500kV.

Các khung giờ cao điểm như 15h30, 17h30 và 22h lại không có điện mặt trời nên phải huy động các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, chạy dầu. Trong khi đó, sản lượng điện từ nguồn điện gió mùa này cũng không cao.

Ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - cũng cho biết lượng nước về các hồ thủy điện thấp và đặc biệt một số hồ thấp nhất trong khoảng 100 năm, một số hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên dưới mực nước chết đã ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện, tác động đến việc đảm bảo cung cấp nước cho hạ du phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt.

Vì vậy, EVN phải tính toán chế độ vận hành tối ưu, vừa đảm bảo có nước cho phát điện và đảm bảo đủ nước cho nông nghiệp, sinh hoạt.

NGỌC HIỂN

Hạn chế sử dụng thiết bị công suất lớn vào giờ cao điểm

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), nếu các tình huống cực đoan xảy ra như công suất cực đại (Pmax) của miền Bắc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022 do những ngày nắng nóng kéo dài, các tổ máy gặp sự cố hoặc chậm tiến độ sửa chữa, chậm đưa vào nguồn mới, mực nước các hồ thủy điện lớn giảm sâu..., hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung cấp điện vào tháng 5 và tháng 6, nhất là vào giờ cao điểm.

Và nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp, tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo.

Do đó EVNNPC khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đặc biệt vào các giờ cao điểm.

Các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm như sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt); không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Đặc biệt là việc hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào giờ cao điểm (trưa 12h-15h, tối 21h-24h); các khách hàng công nghiệp bố trí lịch sản xuất phù hợp, tránh các ngày nắng nóng cực đoan.

Để tránh tình trạng số tiền điện hằng tháng phải trả tăng cao trong mùa nắng nóng, khách hàng nên sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Nỗi lo tăng tiền, thiếu điện

Người dân thanh toán tiền điện qua app - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân thanh toán tiền điện qua app - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc giá điện bán lẻ tăng vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh khiến cho hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình cũng như doanh nghiệp tăng mạnh, chưa kể nguy cơ thiếu điện.

Liệu tiền điện có tăng nhiều, làm gì để tiết kiệm điện và nguồn điện sinh hoạt có được đảm bảo... là những thắc mắc được nhiều bạn đọc gửi đến lãnh đạo ngành điện lực trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào chiều 15-5.

Tiền điện tăng không nhiều?

Trả lời bạn đọc về việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng thế nào tới khách hàng, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho rằng mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Ngành điện có tính toán để người dân biết được nhà mình sẽ tăng bao nhiêu tiền với giá mới.

Cũng theo ông Kiên, các thiết bị làm mát là "nguồn cơn" chính khiến hóa đơn tiền điện tăng cao mùa nắng nóng. Dùng máy lạnh ở nhiệt độ thấp trong khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn 10oC khiến hóa đơn tiền điện "nhảy múa".

Do đó xảy ra nhiều trường hợp hóa đơn tiền điện tăng từ vài trăm đến vài triệu vào tháng nắng nóng.

"Để giảm tiền điện hằng tháng, người dân cần phải tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện. Chi tiết người dân có thể tham khảo trên trang web của Tổng công ty Điện lực TP.HCM", ông Kiên gợi ý.

Với các hộ sử dụng điện khoảng 400 - 600kWh mỗi tháng, theo ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh EVN, tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 27.200 - 39.700 đồng/hộ.

Giải thích lý do tăng giá điện vào mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng rất cao, ông Dũng cho biết sau lần điều chỉnh vào đầu năm 2019, hơn bốn năm qua giá điện bán lẻ không tăng, trong khi giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng buộc EVN phải tăng giá điện.

Đơn vị tính: đồng/kWh

Đơn vị tính: đồng/kWh

Nhiều phương án đảm bảo nguồn điện

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - cho biết trước những diễn biến bất lợi về thủy văn thời gian qua, tập đoàn này đã báo cáo lên các bộ ngành và chủ động xây dựng các phương án vận hành cho các tình huống.

Trong nhóm bốn giải pháp căn cơ có hai nhóm giải pháp đặc biệt quan trọng được EVN chú trọng. Đó là nhóm giải pháp về vận hành và nhóm các giải pháp về bổ sung nguồn điện.

"Việc bổ sung nguồn điện sẽ tăng cường đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy.

EVN cũng tính tới giải pháp đàm phán với Công ty quốc tế Vân Nam - Trung Quốc (YNIC) để tăng sản lượng, công suất mua, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Việc huy động các nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện theo các quy định của pháp luật", ông Lâm nhấn mạnh.

Với việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam, ông Lê Đặng Xuân Tân - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam - khẳng định sẽ đảm bảo cung ứng điện, bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện.

Các đơn vị vận hành tăng cường theo dõi tình hình, đặc biệt đường trục liên kết 500kV Bắc - Nam, hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra trong giai đoạn truyền tải cao và sẵn sàng các phương án xử lý sự cố.

Ông Đặng Nguyên Phương - trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam - cũng cho biết đã giao các công ty điện lực lập phương án cung cấp điện trong các tình huống, trong đó xem xét các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất có tính chất đặc thù, thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn.

Theo ông Hà Đăng Sơn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, để giảm nguy cơ thiếu điện, việc tuyên truyền người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện là cực kỳ quan trọng.

Xài điện mùa nắng nóng sao cho hiệu quả, tiết kiệm?Xài điện mùa nắng nóng sao cho hiệu quả, tiết kiệm?

Trời nóng bức trong khi giá điện vừa điều chỉnh tăng, xài điện như thế nào để hiệu quả, ít tốn kém? Liệu có xảy ra thiếu điện? Nếu có sự cố điện, liên hệ nơi nào?... Các chuyên gia giải đáp trên tuoitre.vn.


Xem thêm: mth.74600048061503202-oas-ar-teyuq-iaig-neid-ueiht-oc-yugn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nguy cơ thiếu điện, giải quyết ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools