Ông Tô Văn Hùng, bí thư Huyện ủy Hòa Vang, cho biết tại nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07-7-2021 về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố; phát triển theo hướng đô thị sinh thái có bản sắc riêng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Đô thị sinh thái có bản sắc riêng
Theo ông Hùng, cần có những giải pháp và hành động "xanh", nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái.
"Việc triển khai, thực thi quy hoạch trong thời gian tới cần bảo đảm cấu trúc núi - sông - làng mạc; thực thi có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật gắn kết giữa thiên nhiên và con người.
Đồng thời, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện hướng đến phong cách sống mà ai cũng thân thiện với tự nhiên, với môi trường" - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, cần tăng cường không gian mở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tích hợp với khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một đô thị sinh thái là đô thị có kiến trúc cảnh quan xanh, đồng bộ, được kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho đô thị phát triển trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau: Gìn giữ sự đa dạng sinh học; hài hòa với các chu trình của tự nhiên; đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan; phát triển đô thị phù hợp với "ngưỡng" sinh thái môi trường; tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thông "xanh"; duy trì và phát triển hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa trong đô thị và lựa chọn cơ cấu phát triển ưu tiên mô hình kinh tế "xanh".
Thu hút dự án nông nghiệp công nghệ cao
Tiến sĩ Lê Đức Viên, giám đốc Sở KH - CN Đà Nẵng, cho rằng với sự thay đổi của nền kinh tế hiện đại, các khu vực nông thôn đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Hòa Vang là một huyện giàu tiềm năng về du lịch, được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, độc đáo với đồi núi, đồng bằng, sông, suối, hồ, đầm, điều kiện giao thông thuận lợi… thích hợp phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…
Theo ông Viên, giải pháp xây dựng và phát triển Hòa Vang dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia trong thời gian tới như sau: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại huyện Hòa Vang, cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Lấy khoa học và công nghệ làm phương thức chính để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Hòa Vang cần tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai và lựa chọn địa điểm để triển khai thực hiện gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch không gian đô thị.
Đối với các kết quả nghiên cứu, các mô hình đã có hiệu quả ứng dụng, Hòa Vang cần phối hợp để triển khai nhân rộng, lan tỏa rộng rãi và tuyên truyền quảng bá để người dân ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt đối với hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa và con người của Hòa Vang, gắn với ngành du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.
Nghiên cứu mô hình cơ chế thí điểm để dần hình thành và thúc đẩy ý tưởng về các khu thương mại tự do kết hợp đổi mới sáng tạo trên nền tảng hạ tầng sẵn có của các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu vực khác.
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng:
Lợi thế về du lịch sinh thái
Hòa Vang sở hữu lợi thế tài nguyên thiên nhiên đa dạng và chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động thương mại hay công nghiệp.
Những địa điểm sinh thái tự nhiên hấp dẫn hiện nay đang được người dân và khách du lịch tìm đến gồm: khe Răm, khe Hội Yên, ngã ba suối Vũng Bọt, thác Khe Mun, thác Xà Nây, bãi Cát trắng, đèo Mũi Trâu, sông Nam, sông Bắc; các thôn An Định, Nam Mỹ, Lộc Mỹ, Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc); hồ Hòa Trung (Hòa Liên - Hòa Ninh), suối Đá Hang, Giếng trời, các thôn Hòa Trung, An Sơn, Đông Sơn, Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh); thôn Phú Túc (xã Hòa Phú); hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương); thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn)…
Đặc biệt, cộng đồng dân tộc Cơ Tu tại hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc với bản sắc văn hóa độc đáo mang lại nhiều trải nghiệm giá trị và ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú và hoang sơ, các yếu tố văn hóa đặc trưng cùng với giao thông đi lại thuận lợi, Hòa Vang còn có rất nhiều cơ hội thị trường để phát triển mạnh du lịch trong thời gian tới.
Du khách ngày nay có xu hướng rời xa đô thị, gần gũi với thiên nhiên, yêu thích các trải nghiệm dân dã với người dân địa phương; đây đều là những yếu tố mà du lịch Hòa Vang hoàn toàn có thể đáp ứng vượt mong đợi của du khách.
Mặt khác, Đà Nẵng sau rất nhiều nỗ lực xúc tiến đã gây dựng được một thương hiệu điểm đến khá hấp dẫn trong mắt du khách nội địa và quốc tế, phần lớn trong số đó sẵn sàng quay lại Đà Nẵng với nhu cầu khám phá nhiều hơn các cảnh điểm vốn đã quen thuộc và Hòa Vang chắc chắn sẽ là điểm nhấn tạo nên sức hút mới cho du lịch Đà Nẵng trong tương lai gần.
Ngày 15-5, Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn (rác) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn trong năm 2023.
Xem thêm: mth.14031440161503202-iaht-hnis-iht-od-gnouh-oeht-gnav-aoh-gnud-yax-gnan-ad/nv.ertiout